Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững

Đăng ngày 21 - 03 - 2017
100%

Từ lâu, nhãn lồng đã trở thành đặc sản mang tính biểu tượng của Hưng Yên và làm giàu cho nhiều hộ dân các địa phương trong tỉnh.

Sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững

 

           Để phát huy giá trị, hiệu quả kinh tế của cây nhãn, thời gian qua các cấp, ngành chức năng “vào cuộc” cùng nông dân, mở rộng diện tích, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh làm tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, đưa thương hiệu nhãn lồng “bay xa”; sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững. 

Cán bộ BVTV hướng dẫn nông dân thành phố Hưng Yên kỹ thuật sản xuất nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh tư liệu)

 

* Hiệu quả từ những vườn nhãn theo chuẩn
 
          Theo tổng hợp của các địa phương, toàn tỉnh hiện có hơn 3 nghìn ha nhãn, trồng tập trung nhiều ở thành phố Hưng Yên, các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ và Kim Động; trung bình sản lượng đạt khoảng 40 nghìn tấn/năm, thu nhập hơn 700 tỷ đồng/năm. Xác định nhãn là một trong những cây trồng đặc sản, có thế mạnh của tỉnh, những năm qua tỉnh và các ngành hữu quan đã có cơ chế hỗ trợ, định hướng giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình thâm canh nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Vietgap), qua đó làm tăng giá trị thu nhập và tạo uy tín đối với người tiêu dùng. 
 
           Giai đoạn 2009 - 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo triển khai thực hiện 18 mô hình sản xuất nhãn theo quy trình Vietgap với tổng diện tích 155ha và hơn 1 nghìn hộ trồng nhãn tham gia. Các mô hình được triển khai ở những vùng trồng nhãn thuộc các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Thực hiện Dự án “Bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015”, Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị quản lý dự án đã lựa chọn xây dựng các mô hình thâm canh nhãn tại các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên với diện tích hơn 30ha. Trong quá trình triển khai thực hiện, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn theo quy trình Vietgap, được hỗ trợ một phần kinh phí mua phân bón, thuốc BVTV. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 vùng nhãn xuất khẩu tại các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), trong đó có hơn 20ha đã được cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ và hàng chục ha đang sản xuất theo quy trình Vietgap. 
 
          Cùng với đó, năm 2016, Chi cục BVTV đã triển khai 2 mô hình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây nhãn ở huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên với quy mô 1ha/mô hình. Năm nay, Chi cục BVTV tiếp tục triển khai thực hiện 1 mô hình IPM trên cây nhãn tại thành phố Hưng Yên với diện tích 1ha. 
 
          Ngoài hỗ trợ của tỉnh, hàng năm, thành phố Hưng Yên còn dành hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các hộ trồng nhãn mua một phần phân bón, thuốc BVTV và tập huấn kỹ thuật. Năm nay, thành phố Hưng Yên đã đề nghị cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét cấp giấy chứng nhận vùng nhãn Vietgap ở xã Hồng Nam thêm 43ha, nâng tổng diện tích lên hơn 50ha. Tham gia các mô hình, người trồng nhãn được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap như: Sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong danh mục, bảo đảm chất lượng theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển từng thời kỳ của nhãn và hỗ trợ một phần kinh phí mua vật tư phân bón, thuốc BVTV. 
 
           Theo đánh giá, sản phẩm nhãn quả được sản xuất theo quy trình Vietgap đã được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn 10 - 20% so với nhãn sản xuất đại trà. Việc xây dựng mô hình sản xuất nhãn theo quy trình Vietgap không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất đại trà mà còn làm thay đổi nhận thức về sản xuất sản phẩm an toàn cho người nông dân ở những vùng trồng nhãn trọng điểm của tỉnh. 
 
* Xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhãn
 
           Cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhãn lồng là giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân; qua đó giúp thị trường có thêm thông tin về đặc sản nhãn lồng, người trồng nhãn thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ.
 
Xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn ở huyện Khoái Châu (Ảnh tư liệu)
 
             Huyện Khoái Châu là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh với sản lượng nhãn quả hàng năm đạt từ 12 – 15 nghìn tấn. Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập và tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ nhãn cho nông dân, hàng năm huyện Khoái Châu đầu tư hỗ trợ kinh phí cho việc quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn tại các triển lãm, hội chợ do các bộ, ngành tổ chức. 
 
            Để nâng cao giá trị cho cây nhãn, thời gian qua, thành phố Hưng Yên luôn quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 
 
           Thông qua các hoạt động trên đã quảng bá rộng rãi sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối, siêu thị trong và ngoài nước đã tìm đến với Hưng Yên, một số giao kết thương mại và hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết và thực hiện có hiệu quả. Các HTX, hộ nông dân trồng nhãn, các doanh nghiệp đầu mối thu mua nhãn trong tỉnh đã bước đầu xây dựng được những phương thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhãn bền vững, chuyên nghiệp hơn. 
 
           Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương và doanh nghiệp thu mua, chất lượng nhãn quả ở Hưng Yên chưa có sự đồng đều giữa các vùng và hộ sản xuất. Diện tích nhãn sản xuất theo quy trình Vietgap còn thấp so với tổng diện tích trồng nhãn. Việc thực hành sản xuất nhãn an toàn theo quy trình Vietgap chưa được nông dân ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn chưa được đầu tư thích đáng, hầu hết nhãn thu hoạch đều do các hộ tự bán và thường bị thương lái ép giá. 
 
           Tìm hướng đi bền vững cho cây nhãn là vấn đề đang được các cấp, các ngành quan tâm. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Thị Chải cho biết: Đến nay, nhãn lồng Hưng Yên đã được công nhận nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý nên có nhiều thuận lợi trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Để thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên có sức ảnh hưởng mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, thời gian tới tỉnh hướng vào 2 nhóm giải pháp lớn, đó là mở rộng áp dụng quy trình sản xuất Vietgap để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nhãn. Theo đó, trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và các nguồn khác, ngành chuyên môn sẽ xây dựng những mô hình sản xuất nhãn ứng dụng quy trình Vietgap, từ đó nhân rộng mô hình ra diện rộng. Người trồng nhãn cần nêu cao ý thức, trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra, lấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản; không được bón phân tươi trực tiếp vào gốc nhãn, mà phải bón phân đã ủ theo hướng dẫn của cán bộ BVTV; bắt buộc phải có nhật ký ghi chép hàng ngày, từ đó cán bộ địa phương có thể giám sát và theo dõi được quy trình sản xuất.
 
           Cùng với đó, ngành hữu quan và các địa phương cần tăng cường kết nối giao thương với các địa bàn có kinh tế phát triển, có nhu cầu tiêu thụ nhãn lớn như các thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Tổ chức các hoạt động giới thiệu quảng bá nhãn lồng; chú trọng việc phân phối qua hệ thống các siêu thị chuyên kinh doanh hoa quả trên cả nước nhằm cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ tới người tiêu dùng về sản phẩm nhãn lồng, về đặc trưng hương vị, chất lượng, thời vụ; đẩy lùi hiện tượng lợi dụng thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên để trà trộn nhãn kém chất lượng đánh lừa người tiêu dùng. Tích cực, chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu các thị trường xuất khẩu có tiềm năng để thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường mới cho nhãn. Hình thành cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, các huyện, thành phố và các ngành liên quan nhằm định hướng sản phẩm và thị trường cho doanh nghiệp, người sản xuất kịp thời đáp ứng yêu cầu về sản lượng, thời điểm của khách hàng. Đặc biệt chú trọng việc kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hoa quả với các hợp tác xã, hộ trồng nhãn trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. 
Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Xã Đông Tảo gặp mặt, giao lưu tân binh lên đường nhập ngũ 2024 và Phát động Tết trồng cây xuân...(20/02/2024 8:51 SA)

    Huyện Khoái Châu tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024(15/02/2024 1:46 CH)

    Hội nông dân huyện Khoái Châu tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023(04/01/2024 7:41 SA)

    Xã Tân Dân tổ chức Hội nghị đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(25/08/2023 2:56 CH)

    Khoái Châu ra quân thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thu hồi đất tại xã Bình Kiều và Đồng...(19/07/2023 3:09 CH)

    Khoái Châu triển khai kế hoạch PTTT&TKCN, chủ động ứng phó với cơn bão số 1 (TALIM) trên địa bàn...(18/07/2023 1:50 CH)

    Khoái Châu tổ chức Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại một số hộ dân tại xã...(17/07/2023 2:41 CH)

    °
    71 người đang online