Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 01/12/2016 của BTV Huyện uỷ về thực hiện Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Khoái Châu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 01/12/2016 của BTV Huyện uỷ về thực hiện Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Khoái Châu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

Thực hiện Chương trình làm việc của BTV Huyện uỷ về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 01/12/2016 của BTV Huyện uỷ về thực hiện Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Khoái Châu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025, UBND huyện báo cáo như sau:
Bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậucó ý nghĩa sống còn, tác động qua lại, là những nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi ngành, địa phương.Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;Kết luận số 02-KL/TU ngày 04/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh;  Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 01/12/2016 của BTV Huyện uỷ Khoái Châuvề thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; Phòng  TN&MT đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 31/3/2017, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của các ngành liên quan.
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, PHÒNG CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU:
Huyện Khoái Châu có vị trí nằm ở phía Tây tỉnh Hưng Yên. Phía Bắc giáp huyện Văn Giang và Yên Mỹ, phía Nam giáp huyện Kim Động, phía Đông giáp huyện Ân Thi và Kim Động, phía Tây giáp các huyện Phú Xuyên và Thường Tín, TP. Hà Nội.
Là huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai tương đối bằng phẳng, có độ dốc địa hình hướng Tây Bắc – Đông Nam, có hệ thống đê sông Hồng chạy dài trên 21 km chia ra 02 vùng trong và ngoài đê. Từ đặc điểm này, các khu canh tác ngoài đê đất đai màu mỡ rất thích hợp cho các loại cây trồng thuận lợi hơn nhiều các khu canh tác trong đê; có hệ thống giao thông, thủy lợi khá thuận lợi tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với lợi thế là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, mật độ dân số đông, việc đầu tư thâm canh tốt, việc chuyển đổi loại cây trồng diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong nông nghiệp của huyện rất lớn.
100% các xã trong huyện đã hình thành mô hình tổ thu gom rác tự quản,rác được thu gom, tập kết tại các bãi rác của xã, thôn để chôn lấp hoặc được xe cuốn ép rác của huyện thu gom, vận chuyển lên Công ty URENCO11 tại Đại Đồng, Văn Lâm để xử lý.
Với đặc điểm nêu trên, trong thời gian qua công tác Bảo vệ môi trường,phòng chống biến đổi khí hậucủa huyện Khoái Châu đã đạt được một số kết quả nhất định như sau:
1. Công tác BVMT:
1.1.Kết quả đạt được:
Hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng chủ động và đi vào nề nếp hơn, cụ thể như sau:
- Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân từng bước được nâng lên; các tổ chức, cá nhân đã tích cực, chủ động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Đối với môi trường nông thôn, những năm qua, huyện và tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp để giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như khu chế biến miến dong ở Tứ Dân, khu chế biến mứt quất, táo ở Bình Minh. Hiện nay, tuy vẫn còn hiện tượng ô nhiễm nhưng mức độ đã giảm thiểu đáng kể, không còn nằm trong diện điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều xã đã làm được hệ thống thoát nước thải để đảm bảo VSMT như Bình Minh, Đông Kết,… Các hộ chăn nuôi có nhiều hộ thực hiện mô hình xây dựng hầm Biogas vừa có khí gas để đốt vừa giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường. Tổng số hộ chăn nuôi toàn huyện khoảng 10.000 hộ (lợn từ 15 con trở lên, gà từ 200 con trở lên), trong đó số hộ đã lắp đặt Biogas khoảng 2.000 hộ, lắp bể composite do chương trình Lifsap hỗ trợ khoảng 700 hộ.
Môi trường đô thị tại Thị trấn Khoái Châu cũng được quan tâm, Thị trấn cũng thành lập đội VSMT để thu gom, vận chuyển rác. Nhiều xã, thị trấn hàng tháng đã tổ chức ngày tổng vệ sinh môi trường, huy động các em học sinh tiểu học, THCS, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh...
- Công tác đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được triển khai theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.Đến nay, toàn huyện có 125 đơn vị đã đăng ký cam kết BVMT và Đề án BVMT đơn giản (trong đó có 22 đơn vị đăng ký với Sở TN&MT trước đó, nay Sở đã bàn giao lại cho huyện).
- Kinh phí sự nghiệp môi trường đều được sử dụng đúng mục đích như: thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; mua xe gom rác, trang phục bảo hộ lao động hỗ trợ các xã, thị trấn; đầu tư cho các xã xây dựng hố rác thôn, xã; triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Tuy nhiên việc quy hoạch và xây dựng điểm tập kết rác còn chưa đáp ứng được nhu cầu vì khó khăn về quỹ đất và đặc biệt hiện nay URENCO 11 tiếp nhận rất hạn chế lượng rác thải sinh hoạt do bãi chôn lấp đã đầy.
- Các mô hình: “Phụ nữ xử lý rác thải hữu cơ”; “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lon”; “Tổ VSMT thanh niên tự quản”... được nhân rộng qua các năm. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia NS - VS – MT, ngày môi trường thế giới và các chiến dịch truyền thông ở cơ sở; tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên 25 cơ sở; Tập huấn cho hội viên tại các xã, thị trấn. Đến nay 100% số xã, thị trấn đã có các tổ VSMT duy trì hoạt động hiệu quả góp phần làm xanh, sạch, đẹp môi trường nông thôn.
- Làm tốt công tác phối hợp trong công tác thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư có liên quan đến BVMT: cho ý kiến về môi trường đối với các báo cáo ĐTM của các dự án trên địa bàn huyện; các bãi khai thác nguyên liệu làm VLXD thông thường,...
- Các xã, thị trấn đều đã có bãi rác thải tập trung hoặc điểm tập kết rác thải.Rác thải sinh hoạt được thu gom thường xuyên, đảm bảo vệ sinh môi trường. Huyện đã được đầu tư mua 02 xe cuốn ép chở rác, hỗ trợ các xã, thị trấn xe thu gom rác, trang phục bảo hộ lao động; triển khai có hiệu quả mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên toàn huyện với 18.245 hộ dân (chiếm 32% số hộ toàn huyện).
1.2. Tồn tại, hạn chế:
- Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp nhất là các Doanh nghiệp quy mô nhỏ còn chưa tốt; bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống thường xuyên của người dân; công tác chỉ đạo và điều hànhvề bảo vệ môi trường của một vài cấp, ngành còn chưa quyết liệt. Ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được giải quyết triệt để, hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư. Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các cơ cơ sở sản xuất kinh danh chưa được thực hiện thường xuyên. 
- Công tác bảo vệ môi trường có những mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; hiệu quả giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường chưa cao;việc xử lý vi phạm có lúc thiếu kiên quyết, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở thuộc đối tượng di dời; công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật về cấp thoát nước, xử lý chất thải đã được đẩy mạnh nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải y tế chưa cao. Tỷ lệ hộ dân có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh ở khu dân cư nông thôn còn thấp, chưa quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại các xã; việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát triệt để.Các điểm giết mổ gia súc, gia cầm chưa đưa vào quy hoạch tập trung khó kiểm soát về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
- Thiếu cán bộ chuyên môn về môi trường ở các cơ quan, đoàn thể các cấp, nhất là ở cấp xã do đó việc triển khai, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các kiến thức về vệ sinh môi trường gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. 
- Tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chủ yếu là tự phát; quản lý vận hành các bãi chôn lấp, các điểm tập kết rác thải còn chưa tốt; việc xử lý rác thải chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp gây tốn kém quỹ đất và nguy cơ suy thoái môi trường.
- Phần lớn lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh từ đô thị, nông thôn, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề chưa được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, xả thải vào môi trường dẫn đếntình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, có nơi ô nhiễm nghiêm trọng; thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản; công tác giữ gìn đa dạng sinh học chưa được quan tâm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội, sức khoẻ và đời sống nhân dân.
2. Công tác phòng, chống BĐKH:
2.1. Kết quả đạt được:
Đây là lĩnh vực hết sức quan trọng đã được triển khai lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Khoái Châu đã có những nỗ lực lớn trong vấn đề phòng chống biến đổi khí hậu và đạt được những kết quả nhất định. Công tác phòng chống biến đổi khí hậu đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện gắn với công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn. Trong những năm vừa qua đã tổ chức nhiều biện pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu như phối hợp kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ lụt; bố trí riêng một khu tái định cư vùng nguy cơ sạt lở tại xã Bình Minh; hàng năm đều thành lập BCĐ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kịp thời ứng phó với những tai nạn về thời tiết như lốc xoáy, bão lụt, chống úng sau mưa,... Đồng thời những năm qua Khoái Châu cũng đã được đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở, bảo vệ cơ sở hạ tầng tại khu vực sông Hồng, đã xây dựng và diễn tập thường xuyên các biện pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu.
- Hàng năm đều tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đê, kè, cống, bối để làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án trọng điểm trong năm cụ thể và sát thực; thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong Ban chỉ huy; tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, úng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, triển khai kế hoạch và các phương án tới các thành viên, các xã, thị trấn và các ban ngành, đoàn thể huyện.
- Xây dựng cơ cấu tổ chức chỉ huy, chỉ đạo gồm 3 cụm PCTT&TKCN (cụm Nghi Xuyên, Hàm Tử, Bối Khoái Châu); Thành lập ban chỉ huy PCTT&TKCN công trình trọng điểm trạm bơm Nghi Xuyên, 2 tiểu ban (Tiểu ban phòng, chống bão, úng và tiểu ban sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn); Văn phòng TT Ban chỉ huy.
- Tổ chức trực văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện theo quy định từ 15/5 hàng năm để nắm bắt các thông tin, đồng thời tham mưu với Ban chỉ huy trong công tác chỉ huy, chỉ đạo.
- Ban chỉ huy quân sự huyện hàng năm tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch hiệp đồng cứu hộ đê, bối và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị thuộc quyền và các đơn vị của trên tham gia chi viện.
- Thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phối hợp xử lý sự cố đối với hệ thống đê, kè, bối sông Hồng và các công trình phục vụ công tác PCTT&TKCN:
Về đê: Dự án đê tả sông Hồng đoạn qua huyện Khoái Châu từ Km88+00 đến Km106+415 dài 18,415 km, mặt đê kết hợp làm đường giao thông bê tông nhựa mặt đường rộng 10m, lề đường rộng 0,5 m rất thuận lợi cho giao thông đi lại và phục vụ tốt công tác PCTT&TKCN.
Về Kè: Kè Hàm Tử gồm 5 mỏ hàn cứng và một số đoạn lát mái. Năm 2012 đầu tuyến kè bị sạt lở, đã được đầu tư kinh phí xử lý đảm bảo chống lũ; qua mùa mưa lũ các năm gần đây, vị trí này đã ổn định.
Kè Nghi Xuyên gồm 7 mỏ hàn cứng, trong các năm gần đây tuyến kè bồi lắng nhiều. Vị trí cuối kè Nghị Xuyên khu vực xã Nhuế Dương xảy ra sạt lở đã được xử lý năm 2013 đến nay ổn định.
Về cống: Các cống Trung Châu, Liên Khê được Bảo dưỡng máy đóng mở, vệ sinh thượng, hạ lưu và được đóng kín trong những ngày có mưa lớn. Cống Nghi Xuyên được mở để tháo nước vào trong đầm, đảm bảo độ chênh lệch mực nước ngoài sông và trong đầm ở điều kiện cho phép giữ an toàn cho đê. Các cống đều không có sự cố gì xảy ra trong mùa lũ.
Về bối: Tuyến bối có 11,33 km, kỹ thuật thi công bằng thủ công, chắp vá qua nhiều năm; bề rộng mặt bối cơ bản đạt 5m.
- UBND các xã đã tổ chức thu gom, tiêu hủy rác thải trên đê, bối và xử lý giải tỏa vi phạm hành lang đê điều, các tuyến bối được các xã thường xuyên kiểm tra duy tu, sửa chữa; các cống dưới đê, bối được bảo dưỡng máy đóng mở, vệ sinh thượng, hạ lưu Cống đảm bảo việc tiêu thoát nước khi có mưa bão; tham gia xây dựng phong trào đê kiểu mẫu do tỉnh phát động.
2.2. Tồn tại, hạn chế:
- Công tác phòng chống biến đổi khí hậu của huyện mới được thực hiện nên còn lúng túng, bị động; công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn còn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa thực sự chú trọng đến phòng ngừa; thiên tai còn gây nhiều thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.
- Ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học chưa được triển khai đồng bộ đáp ứng với nhu cầu thực tế của địa phương trong tình hình mới.
- Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực của huyện chậm hoặc chưa được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu. Khả năng cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
- Chế độ trực ban, trực chỉ huy và báo cáo ở 1 số xã chưa thực hiện đúng dù huyện đã có quy định đặc biệt là việc báo cáo tình hình triển khai ứng phó với mưa, bão và thiệt hại sau mưa, bão tại địa phương. Việc thống kê thiệt hại về tài sản sau thiên tai để hỗ trợ người dân của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu.
  - Hệ thống CTTL được đầu tư xây dựng từ lâu do thời gian khai thác, sử dụng nay đã xuống cấp không phát huy được năng lực thiết kế, không đáp ứng tốt nhu cầu tiêu khi có mưa úng lớn xảy ra; kênh mương thủy lợi nội đồng ở các xã đồng màu do san lấn, cơi nới gây ra ách tắc dẫn đến ngập úng.
- Việc giải toả vi phạm hành lang thủy lợi còn đang gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập do vi phạm đã hình thành quá lâu.
- Việc xử lý các hộ vi phạm Luật đê điều, hành lang thuỷ lợi: Xây dựng, sửa chữa nhà, công trình phụ nằm trên đất thổ cư đã được cấp GCNQSDĐ là rất khó khăn.
- Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật tại các bến bãi chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm; Một số bến bãi để xe ô tô chở vật tư, vật liệu quá tải đi từ bến bãi qua đê, bối ngay cả trong mùa mưa bão.

Nguyễn Thắm

UBND huyện Khoái Châu