Giải pháp thực hiện trong thời gian tới việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-CTUBND, Kế hoạch 93a/KH-UBND của UBND tỉnh

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-CTUBND, Kế hoạch 93a/KH-UBND của UBND tỉnh

1. Đối với các xã, thị trấn:
Xây dựng kế hoạch, thực hiện giải toả theo kế hoạch đối với các xã, thị trấn có công trình thuộc diện phải giải toả theo Kế hoạch 93a/KH-UBND đã được tổng hợp báo cáo, UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm Chủ tịch UBND xã, thị trấn nếu phát hiện thông tin thiếu trong kết quả đã báo cáo. Hoàn thiện kế hoạch giải tỏa; thực hiện đầy đủ trình tự từ khâu vận động, thuyết phục, khép kín hồ sơ giải tỏa theo thẩm quyền, theo danh sách và kế hoạch, nộp Kế hoạch giải toả về UBND huyện và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm soát và chỉ đạo.
Thực hiện nghiêm cam kết giải toả xong các trường hợp vi phạm sau 16/3/2016 trong năm 2019 đã ký tại Hội nghị ngày 19/7/2019. Trong thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong quản lý đất đai, thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND; giám sát, đôn đốc và chỉ đạo cấp cơ sở quyết liệt hơn nữa để xử lý vi phạm, ngăn ngừa các vi phạm mới phát sinh, quá trình thực hiện phải bảo đảm công bằng, khách quan, xử  lý triệt để vi phạm. Nếu không giải tỏa được thì kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã và báo cáo UBND huyện tổ chức cưỡng chế; chủ động chấm dứt các hợp đồng cho thuê, thầu, giao đất không đúng thẩm quyền; ký cam kết với các hộ dân liên quan trong việc bảo vệ hành lang, lòng, lề đường, vỉa hè, các công trình giao thông, thủy lợi.
Phát động nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm (làm nhà trên đất nông nghiệp, xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi, khai thác cát, đất trái phép…để báo chính quyền và các cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm nghiêm và kịp thời theo quy định.
Phương pháp, hình thức thực hiện: Dễ làm trước, khó làm sau; phát sinh mới phải làm trước và làm ngay, làm dứt điểm cương quyết, đúng pháp luật. Để nêu gương, Đảng viên vi phạm phải làm trước, đối với những trường hợp Đảng viên vi phạm không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.
Cách làm cụ thể: Tuyên truyền, vận động, thuyết phục trước, sau đó mới xây dựng kế hoạch hỗ trợ thi công, tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng trình tự, quy định pháp luật. Trước mắt từ nay đến hết năm 2019 phải chặn đứng tình trạng làm nhà trên đất nông nghiệp, khai thác cát và hoạt động bến, bãi trái phép; xử lý hoàn thành dứt điểm 100% các trường hợp xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp từ khi ban hành Chỉ thị số 02/CT-CTUBND ngày 16/3/2016 đến nay; xử lý khoảng trên 60% các trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp từ thời điểm tháng 02/2016 trở về trước; xã có ít vi phạm thì hoàn thành trong năm 2019, xã có vi phạm nhiều thì đến hết năm 2020 phải hoàn thành thực hiện kế hoạch 93a/KH-UBND và việc thực hiện các Chỉ thị, Kế hoạch nêu trên, làm liên tục, thường xuyên, không có điểm dừng, không có phát sinh.
5.2. Đối với các cơ quan ở huyện:
UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyện môn, đặc biệt là 3 cơ quan thường trực tập trung thực hiện nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo UBND, BCĐ các xã, thị trấn tập trung tăng cường thực hiện nhiệm vụ giải toả theo Kế hoạch 93a/KH-UBND:
Phòng TNMT là cơ quan thường trực tổng hợp kết quả báo cáo xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp; thu thập kết quả thực hiện giải tỏa hành lang GT-TL, bến bãi từ phòng KTHT, Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp chung, phối hợp với các ngành liên quan, báo cáo UBND huyện chỉ đạo trước ngày 30 hàng tháng để UBND huyện tiếp tục chỉ đạo. Căn cứ tiến độ thực hiện của các xã, thị trấn để tham mưu UBND huyện chỉ đạo kịp thời đối với các xã thực hiện không nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện. Tham mưu UBND huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với các xã, thị trấn có biểu hiện né tránh, không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo việc giải toả vi phạm theo thẩm quyền.
Phòng KT&HT: Chủ trì giải tỏa về HLGT; tổng hợp đánh giá để báo cáo UBND huyện, chuyển thông tin về phòng TNMT để tổng hợp chung trước ngày 25 hàng tháng.
Phòng NN&PTNT: Chủ trì tham mưu chỉ đạo, tổng hợp kết quả thực hiện về kết quả giải tỏa HLTL, đê điều, bến bãi báo cáo UBND huyện và cung cấp về phòng TNMT trước ngày 25 hàng tháng.
Phòng Tư pháp: Kịp thời hướng dẫn cấp xã về trình tự, thủ tục về xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành thẩm định, đánh giá và xếp loại mức hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền và cá nhân lãnh đạo hàng năm trên cơ sở đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Kế hoạch số 93A, Kế hoạch 24 của UBND các xã, thị trấn; Tham mưu xem xét, kỷ luật Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra vi phạm mới, tái vi phạm.
Thanh tra huyện: Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, tham mưu xem xét trách nhiệm thực hiện của cấp xã trong quá trình thực hiện giải tỏa theo nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 396/TB-UBND ngày 23/10/2018 của UBND tỉnh và Công văn số 828/STNMT-CCQLĐĐ ngày 30/6/2019 của STNMT.
Phòng Tài chính – Kế hoạch: Hướng dẫn các xã, thị trấn thanh toán kinh phí dành cho công tác giải toả vi phạm.
Điện lực Khoái Châu: Căn cứ pháp luật về Điện lực, có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai giải tỏa các công trình vi phạm, không cấp điện sinh hoạt cho các trường hợp xây dựng nhà để ở, nhà tạm trên đất nông nghiệp, các trường hợp cụ thể theo danh sách đề nghị của UBND các xã, thị trấn.
Các đơn vị liên quan khác chủ động, kịp thời thực hiện những nội dung chỉ đạo của UBND huyện về chức năng chuyên môn liên quan nội dung chỉ đạo của Chỉ thị 08/CT-CTUBND và Thông báo 150/TB-UBND của UBND tỉnh.
Tăng cường, phối hợp với các cơ quan của tỉnh, các cơ quan ngôn luận tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, nhân dân trong toàn huyện bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, nhận thức, tạo sự đồng tình, ủng hộ việc xử lý vi phạm.

Nguyễn Thắm

UBND huyện Khoái Châu