Tuyên truyền về Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020

Tuyên truyền về Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng và điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính… đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC gồm 03 điều, bao gồm:
  • Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (có 75 khoản);
  • Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).
  • Điều 3: Hiệu lực thi hành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung nội dung của66/142điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật11/142điều, bổ sung mới04điều,bãi bỏ03điềucủa Luật XLVPHC hiện hành, với những điểm mới cơ bản sau đây:
1. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng
2. Mức phạt tiền tối đa
a) Luật sửa đổi đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, cụ thể:
- Giao thông đường bộ: từ 40 triệu lên 75 triệu;
- Phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu lên 75 triệu;
- Cơ yếu: từ 50 triệu lên 75 triệu;
- Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia: từ 50 triệu lên 75 triệu;
- Giáo dục: từ 50 triệu lên 75 triệu;
- Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu;
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu;
- Thủy lợi: từ 100 triệu lên 250 triệu;
- Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu;
- Kinh doanh bất động sản: từ 150 triệu lên 500 triệu.
b) Luật sửa đổi đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định, cụ thể:
- Đối ngoại: 30 triệu;
- Cứu nạn, cứu hộ: 50 triệu;
- An ninh mạng; An toàn thông tin mạng: 100 triệu;
- Kiểm toán nhà nước: 50 triệu;
- Cản trở hoạt động tố tụng: 40 triệu;
- Bảo hiểm thất nghiệp: 75 triệu;
- In: 100 triệu.
3. Thẩm quyền xử phạt
- Luật sửa đổi đã bổ sung hoặc giảm bớt một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước: Kiểm toán nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngành công an, kiểm ngư,...
- Luật sửa đổi cũng đã tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Công an cấp tỉnh từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng; tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện hoặc tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền) đối với một số chức danh: Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chi cục trưởng Hải quan,...
4. Về giao quyền xử phạt
Bên cạnh việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật sửa đổi cũng quy định việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
5. Lập biên bản vi phạm hành chính
a) Luật sửa đổi quy định rõ biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
b) Luật sửa đổi quy định trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản (Luật hiện hành quy định phải có 02 người chứng kiến); trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
c) Quy định cụ thể trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
d) Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
6. Về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính
Luật sửa đổi quy định thêm một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
7. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
a) Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt: thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;(Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính)
b) Bỏ quy định về gia hạn:
- Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
- Đối với vụ việc thuộc trường hợp mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
8. Hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng cho cá nhân và tổ chức (Luật hiện hành chí quy định hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng cho cá nhân)
9. Việc giảm, miễn tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt được áp dụng cho cá nhân, tổ chức (Luật hiện hành chí quy định việc giảm, miễn tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt được áp dụng cho cá nhân)
10. Người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. (Luật hiện hành chiỉ quy định việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt); đồng thời, quy định rõ văn bản giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định.
11. Sửa đổi về đối tượng, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vào cơ sở giáo dục bắt buộc:
- Bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” là điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;
- Sửa đổi quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy;
- Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập;
- Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
12. Bổ sung thêm biện pháp Giáo dục dựa vào cộng đồng trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Theo đó, giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế XLVPHC áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục.
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đời sống hàng ngày của nhân dân được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Do đó, cần phải được tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện một cách hiệu quả Luật, đặc biệt là những điểm mới, những thay đổi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC so với Luật hiện hành, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương hành chính; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Phòng Tư pháp