Tuyên truyền Luật phòng, chống Ma túy năm 2021

Tuyên truyền Luật phòng, chống Ma túy năm 2021

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, do đó ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.Luật này quy định về Phòng, chống ma túy (PCMT); quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong PCMT; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về PCMT. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
1. Mục đích
- Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
- Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
2. Quan điểm chỉ đạo
- Quán triệt và thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.
- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy.
- Tổng kết đầy đủ và toàn diện về công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy hiện nay và trong những năm tiếp theo.
- Bảo đảm phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là 03 Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về ma túy các năm 1961, 1971, 1988, các cam kết quốc tế, khu vực và một số công ước quốc tế về quyền con người. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
III. BỐ CỤC CỦA LUẬT
Luật gồm 08 chương, 55 điều, cụ thể:       
  1. Chương I. Những quy định chung, gồm 05 điều
  2. Chương II. Trách nhiệm phòng, chống ma tuý, gồm 06 điều
  3. Chương III. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, gồm 10 điều
  4. Chương IV. Quản lý người sử dụng trái phát chất ma tuý
  5. Chương V. Cai nghiện ma tuý, gồm 17 điều
  6. Chương VI. Quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý, gồm 07 điều
  7. Chương VII. Hợp  tác quốc tế về phòng, chống ma tuý, gồm 03 điều
  8. Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều
IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế; việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trên cơ sở kế thừa các điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới. Cụ thể:
Chương I. Những quy định chung:          
Có 5 điều (từ Điều 1 đến 5), ngoài giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, Luật 2021 bổ sung các nội dung sau:
* Phạm vi điều chỉnh                                             
Mở rộng thêm phạm vi áp dụng của Luật 2021 so với Luật Phòng, chống ma túy 2020 (sau đây gọi tắt là Luật 2020), cụ thể: Luật 2021 quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về PCMT.
* Giải thích từ ngữ
Luật 2021 đã bổ sung giải thích một số từ ngữ như:
- Tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy” vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được qui định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.
- Bổ sung khái niệm: người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.
- Bổ sung khái niệm cai nghiện ma túy: Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội và y tế giúp người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi, phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy. Việc bổ sung khái niệm này giúp nhận thức đầy đủ về công tác cai nghiện ma túy.
- Bổ sung khái niệm thuốc tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Đây là loại thuốc cần đưa vào hoạt động kiểm soát liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy từ các loại thuốc này.
* Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy
Luật 2000 chỉ có 02 khoản quy định về trách nhiệm phòng, chống ma túy và một số chính sách PCMT. Luật 2021 đã bổ sung và làm rõ rất nhiều chính sách về PCMT như:
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp PCMT; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
- Ưu tiên nguồn lực PCMT cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.
- Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.
- Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy…
* Nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy
Luật 2000 chỉ đề cập đến kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phòng, chống tái nghiện ma túy. Luật 2021 quy định chung cho PCMT gồm các nguồn: Ngân sách nhà nước. Nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Chi trả của gia đình, người nghiện ma túy; Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể: Kinh phí cho công tác PCMT do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các cơ quan thực hiện công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
* Các hành vi bị nghiêm cấm
Luật 2021 đã bổ sung một số hành vi mới cho phù hợp với thực tiễn như: 
- Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy;
- Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất..
- Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
-  Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy…
- Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Chương II. Trách nhiệm phòng, chống ma túy:
 Có 6 điều (từ Điều 6 đến 11). Ngoài việc sắp xếp lại các điều khoản của Luật 2020 cho phù hợp; Luật 2021 bổ sung, thay đổi các nội dung sau:
* Trách nhiệm của cá nhân, gia đình:
Việc quy định cá nhân, gia đình có trách nhiệm: “Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác” không khả thi, rất khó khăn để thực hiện. Vì vậy, Luật 2021 đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy.
Trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy: 
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong Luật 2021 giống với Luật 2020, cụ thể gồm các cơ quan sau: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan.
Luật 2021 mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của Luật 2021. Việc bổ sung nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan.
Chương III. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy:
          Có 10 điều (từ Điều 12 đến 21) về cơ bản nội dung Chương này được kế thừa các quy định của Luật 2020, trong đó có bổ sung các quy định về thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; các hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.
Chương IV. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy:
Có 5 điều (từ Điều 22 đến 26), đây là Chương được quy định mới trong Luật 2021. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; Luật 2021 đã quy định các nội dung: Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; cơ quan có thẩm quyền xét nghiệm xác định sử dụng ma túy; biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã; cơ quan, gia đình và cá nhân người sử dụng trái phép chất ma túy. Kinh phí xét nghiệm xác định người sử dụng trái phép chất ma túy. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ 18 tuổi trở lên là 01 năm, dưới 18 tuổi là 06 tháng.
Lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy: là một điểm mới đáng quan tâm, gì hiện nay không có quy định về việc thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy, địa phương sẽ quản lý lỏng lẻo, không khoanh vùng được các đối tượng ma túy để giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật khác (như trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản…). Luật 2021 sẽ giúp giảm thiểu được các tồn tại thực tế này. Mỗi địa phương quản lý tốt, phòng chống ma túy tốt sẽ góp phần làm giảm gánh nặng đổ đồn lên cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, quy định mới về việc thống kê này không chỉ giúp tăng cường trách nhiệm của cơ quan công an địa phương mà còn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn cả nước.
Chương V. Cai nghiện ma túy:
          Có 17 điều (từ Điều 27 đến 43), nội dung của Chương V được sửa đổi cơ bản và toàn diện so với Luật 2020 nhằm khắc phục những bất cập trong công tác cai nghiện, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả, cụ thể như sau:
* Xác định tình trạng nghiện ma túy:
          Quy định về xác định tình trạng nghiện, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Đây là quy định nhằm giúp phân biệt người nghiện với người sử dụng để có cách ứng xử phù hợp.
          Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế)
* Quy trình cai nghiện ma túy:
Luật năm 2021 đã bổ sung quy trình cai nghiện ma túy gồm các bước: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Lao động trị liệu, học nghề; Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng
* Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy:
Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 6 tháng.
*  Áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vỉ sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam:
Bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Theo đó tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì trục xuất về nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy thì phải đến cơ quan chuyên môn xác định tình trạng nghiện, nếu có kết quả xác định là nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.
Chương VI. Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy:
Có 7 điều (từ Điều 44 đến 50), về cơ bản nội dung Chương trình này kế thừa các quy định của Luật 2020 bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong luật. Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển; trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phù hợp với các nội dung về công tác cai nghiện ma túy được sửa đổi. Phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong công tác tuyên truyền PCMT.
Chương VII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy:
Có 3 điều (từ Điều 51 đến 53). Các quy định về hợp tác quốc tế PCMT được kế thừa quy định của Luật 2020.
Chương VIII. Điều khoản thi hành:
Có 2 điều (từ Điều 54 đến 55). quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong luật.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và thay thế Luật Phòng, chống ma túy năm 2000./.

Phòng Tư pháp