Họp kiểm điểm tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh

Họp kiểm điểm tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, đối với dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên), hiện nay, Sở Giao thông vận tải tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai các bước trình phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổ chức lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công theo quy định. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công và tổ chức khởi công trong tháng 9/2023.
 
Đối với dự án thành phần 1.2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên), Sở Giao thông vận tải đang tổ chức khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục: Di dời hệ thống điện 110kV, 220kV, 500kV, dự kiến hoàn thành và trình thỏa thuận, thẩm định với Cục Điện Lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trước ngày 15/9/2023. Hiện nay, các đơn vị đang tổ chức thực hiện công tác rà phá bom mìn, vật nổ tại hiện trường, khối lượng hoàn thành đạt 90%. Dự kiến đến ngày 15/9/2023, hoàn thành công tác rà phá bom mìn. Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (cáp viễn thông, đường ống nước sạch…) tổng hợp phương án di chuyển để bổ sung vào thiết kế cơ sở dự án thành phần 1.2; đến nay đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án thành phần 1.2, dự kiến trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định từ ngày 9/9/2023. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích đất nông nghiệp, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110kV, 220kV, 500kV. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư được 191,9/230,2ha đạt 83,4%; tổng kinh phí đã giải ngân dự án thành phần 1.2 là 755,7 tỷ đồng (đạt 41% kế hoạch vốn năm 2023).
Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án như: Cho phép bổ sung nội dung thu hồi đất, bố trí khu đất phi nông nghiệp để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp (nằm trong phạm vi GPMB dự án đường Vành đai 4) được tính trong dự án thành phần 1.2, trên cơ sở đó UBND huyện Văn Lâm có căn cứ thực hiện công tác thu hồi đất theo Điều 62 của Luật Đất đai (Nhà nước thu hồi đất, hoàn thiện hạ tầng và bố trí trả mặt bằng cho doanh nghiệp); chấp thuận bổ sung vị trí các khu tái định cư và mở rộng nghĩa trang vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Văn Giang để huyện có cơ sở thực hiện việc thu hồi đất và GPMB; chỉ đạo Sở Xây dựng bổ sung vào đơn giá bồi thường, hỗ trợ hoặc hướng dẫn các huyện việc bồi thường đối với các ngôi mộ hung táng khi di chuyển cần phải hỏa táng và các ngôi mộ chưa bốc mộ...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh. Sở Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo, trình các bộ, ngành có liên quan hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổ chức lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công dự án thành phần 2.2 bảo đảm tiến độ theo quy định; đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, vật nổ, di dời vị trí cột điện đường dây 110kV, 220kV, 500kV, các công trình hạ tầng kỹ thuật (cáp viễn thông, đường ống nước sạch…). Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB dự án, tập trung vào diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, tổ chức, xây dựng các khu tái định cư, di chuyển mồ mả và di chuyển hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch, bảo đảm đến ngày 31/12/2023 hoàn thành giải phóng 100% diện tích đất phải thu hồi. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tại khu vực dự án đi qua, tạo sự đồng thuận cao để triển khai dự án được thuận lợi. Quản lý chặt chẽ diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, kể cả đất dự trữ đường sắt; không để phát sinh tình trạng tái lấn chiếm...

Nguồn tin: baohungyen.vn