Phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thương mại - Dịch vụ

Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ (CN-TTCN, TMDV) giai đoạn 2015 - 2020, UBND huyện xây dựng chương trình với những nội dung sau:

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CN - TTCN – TMDV

 GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC.

Giai đoạn 2011-2015, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của huyện Khoái Châu nói riêng. Trong bối cảnh đó, CN-TTCN, TMDV của huyện đã bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, từng bước vượt qua giai đoạn trì trệ do tác động khủng hoảng của nền kinh tế, và có bước tăng trưởng khá trong những năm cuối của nhiệm kỳ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra.

Công nghiệp tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất đưa tốc độ phát triển kinh tế của huyện tăng bình quân 10,33% cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Kết quả cụ thể ở một số lĩnh vực sau:

1. Về tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN-XD, TM-DV (theo giá so sánh 2010)

- Công nghiệp - TTCN - XD đạt: 3.003 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 12,86% (KH trên 16%)

- Thương mại - dịch vụ: 2.572 tỷ đồng, 13,12% (KH trên 12%)

Cơ cấu kinh tế: NN - CN, TTCN, XD - TMDV: 25% - 41% - 34% (KH: 19% - 46% - 35%)

2. Công tác quy hoạch các cụm công nghiệp:

Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Sở Công Thương, Viện nghiên cứu chiến lược công nghiệp lập quy hoạch phát triển 4 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2011 đến 2020, cụ thể:

+ Cụm công nghiệp Khoái Châu (thuộc 02 xã Bình Kiều - Phùng Hưng),

+ Cụm công nghiệp Nam Khoái Châu (thuộc 2 xã Thành Công - Thuần Hưng),

+ Cụm công nghiệp Tây Khoái Châu (thuộc xã Đông Kết – Tân Châu – Tứ Dân),

+ Cụm công nghiệp Đông Khoái Châu (thuộc  xã Việt Hòa),

Thực hiện quyết định 248/QĐ - UBND ngày 16/02/2012 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2025, trong giai đoạn 2011 – 2015 huyện Khoái Châu được phép quy hoạch chi tiết 02 cụm công nghiệp:  

- Cụm công nghiệp Khoái Châu (thuộc 02 xã Bình Kiều - Phùng Hưng)

   - Cụm công nghiệp Đông Khoái Châu (thuộc  xã Việt Hòa)

3. Về phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

Đến nay đó có 70 dự án đầu tư vào địa bàn huyện, sản xuất kinh doanh các lĩnh vực về Công nghiệp dệt may, chế biến thức ăn chăn nuôi, TTCN, kinh doanh, dịch vụ, thu hút thêm được trên 5.500 lao động.

Giai đoạn 2011-2015,vượt qua những khó khăn thách thức, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đã từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khai thác tốt lợi thế về công nghệ, thị trường nên vững vàng hơn trong giai đoạn khó khăn, tình hình sản xuất ổn định và phát triển, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất như: Công ty TNHH một thành viên dệt kim đông xuân, công ty may việt mỹ, công ty TNHH phụ tùng ôtô Stchlemmer Việt Nam, công ty cổ phần AUSTFEED Việt  Nam...

Hoạt động của các cơ sở sản xuất TTCN, làng nghề: Đến nay toàn huyện có 2.856 cơ sở thuộc các hộ cá thể sản xuất TTCN, có 4 làng nghề được Tỉnh công nhận: Làng nghề mộc Minh Khai Đại Tập, Làng nghề mây tre đan Liên Khê, thôn Hạ -  Thị trấn Khoái Châu, thôn Ninh Vũ -  Bình Kiều.

Các làng nghề phát triển đa dạng theo các ngành nghề truyền thống, tạo thêm được nhiều việc làm mới. Tuy nhiên, quy mô còn hạn chế, đa số vẫn nhận làm gia công, các sản phẩm còn đơn điệu, sức cạnh tranh yếu, hàng hóa sản xuất ra chất lượng chưa cao, chưa tạo được thương hiệu trên thị trường, một số làng nghề trong qúa trình sản xuất, chế biến gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư (như chế biến dược liệu ở xã Bình Minh, sản xuất hương, chế biến phế liệu ở xã Đồng Tiến, Hồng Tiến ..)

 Công tác phát triển làng nghề mới chỉ tập trung ở một vài nghề thủ công như: thêu ren, sản xuất đồ mộc, mây tre đan, làm hương... Riêng chỉ có cụm làng nghề Liên Khê được tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng đã đi vào hoạt động đảm bảo hiệu quả và ổn định.

4. Về phát triển Thương mại - Dịch vụ.

Huyện đã phối hợp với Sở Công Thương lập quy hoạch các điểm kinh doanh xăng dầu, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn huyện.

Đối với hệ thống chợ huyện đã hoàn thành quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn cho các xã nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng lưới chợ còn yếu, vì vậy hạ tầng cơ sở của các chợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, chưa phát huy hết lợi thế trong hệ thống kênh phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân; trong thời gian qua, Ban quản lý dự án Lisap của tỉnh đã phối với với các cơ quan liên quan nâng cấp khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Bái, chợ Bô Thời, chợ Phủ, chợ Đông Tảo, chợ Đại Quan.

Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại qua đó thành lập các đoàn kiểm tra, quản lý thị trường không để xảy ra tình trạng biến động về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ nâng giá nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: lương thực, thuốc chữa bệnh…, kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra nhãn mác hàng hóa, xuất xứ và chất lượng hàng hoá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động dịch vụ phát triển ổn định, Ngân hàng NN&PTNT đó tích cực đa dạng hoá các hình thức huy động vốn với nhiều mức lãi xuất hấp dẫn và mở rộng các dịch vụ khác ngoài tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế và nhân dân, Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đảm bảo đúng đối tượng, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập. Các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn và các loại hình tín dụng khác hoạt động ổn định đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các tầng lớp nhân dân.

Bưu chính viễn thông phát triển mạnh, mạng lưới viễn thông được mở rộng, số người sử dụng điện thoại, Internet tăng nhanh, Ngành điện lực được quan tâm đầu tư phục vụ tốt nhu cầu cung cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh.

Mạng lưới kinh doanh bán lẻ xăng dầu không ngừng đựơc mở rộng phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM.

Một số dự án đã được bàn giao đất nhưng tiến độ triển khai còn chậm dẫn đến tình trạng đất không sử dụng trong thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân. Làm trở ngại cho các dự án chuẩn bị đầu tư vào huyện trong khâu GPMB như (dự án thêu ren tại xã Bình Kiều do Công ty TNHH Đại Hàn làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị sinh thái Laico tại xã Bình Minh....)

Tiến độ quy hoạch chi tiết các Cụm công nghiệp còn chậm, chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, chưa được thành lập theo quy định nên công tác quản lý còn lỏng lẻo, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Việc đầu tư từ ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa có cơ chế để kêu gọi doanh nghiệp đầu kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.  

Một số doanh nghiệp, làng nghề còn chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, còn xả nước thải ra hệ thống thoát nước khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân (đặc biệt là các cơ sở sản xuất tư nhân nằm xen kẽ trong khu dân cư).

Đối với hệ thống chợ tại các xã, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng lưới chợ  còn yếu, nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, chưa phát huy hết lợi thế của mình trong hệ thống kênh phân phối hàng hóa, các chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, vấn đề phát thải và ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm xử lý. Đây là những bức xúc đặt ra cho các xã có chợ cần phải giải quyết để đảm bảo văn minh thương mại.          

                                                                                                         PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

CÔNG NGHIỆP- TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ

GIAI ĐOẠN 2016 -2020

                                             

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển CN-TTCN-TMDV của huyện phải phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và phù hợp với quy hoạch phát triển CN-TTCN-TMDV của tỉnh.

- Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để nhanh chóng đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng có vai trò đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

- Khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, năng lực sẵn có trên cơ sở đó ưu tiên thu hút những dự án công nghiệp công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, ít gây ô nhiễm môi trường, thu hút được nhiều lao động.

- Phát triển theo hướng sản xuất bền vững, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

- Phấn đấu hoàn thành quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đông Khoái Châu thuộc địa bàn xã Việt Hòa vào năm 2017, và từng bước hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trung tâm huyện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Đề xuất với UBND tỉnh cho phép bổ sung quy hoạch một cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ tại xã Tân Dân, Dân Tiến

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất CN-TTCN-XD: 11,3%/năm (theo giá so sánh 2010), đến năm 2020 đạt: 6.385 tỷ đồng.

- Thương mại - dịch vụ tăng: 10,4%, đến năm 2020 đạt: 5.947 tỷ đồng.

- Cơ cấu kinh tế: NN - CN, TTCN, XD - TM, DV: 17% - 45% - 38%

- Tạo thêm việc làm mới cho trên 10.000 lao động

- Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới.

-  Ngành thương mại - dịch vụ, mở rộng hoạt động của hệ thống chợ nông thôn và các chợ đầu mối nông sản phục vụ nhu cầu mua sắm và tiêu thụ nông sản, hàng hóa  cho nhân dân. 

Nguyễn Thắm

UBND huyện