Khoái Châu: Tập trung đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Khoái Châu: Tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Hiện nay, trên địa bàn huyện dịch bệnh động vật có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm. Đồng thời, trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán, lây lan.
Thực hiện Công văn số 315/UBND-KT2 ngày 19/02/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm thú y huyện
- Tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt công tác thường trực dịch bệnh.
- Chỉ đạo, kiểm tra việc tổng vệ sinh toàn huyện tiêu độc, khử trùng toàn bộ các chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn huyện.
- Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra công tác triển khai, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật tại các xã, thị trấn và nắm bắt tình hình dịch bệnh động vật để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Phối hợp chính quyền xã, thị trấn xử lý ngay khi phát hiện có ổ dịch; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.
- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.
- Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, khử trùng phòng trừ dịch bệnh; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.
2. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm thú y huyện, UBND các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện bố trí đủ kinh phí và kịp thời để triển khai, thực hiện khẩn trương, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện.
3. Đội Quản lý thị trường Khoái Châu, Công an huyện: Xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngay việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
4. Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm văn hóa Thể thao và du lịch, Đài truyền thanh huyện: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm thú y huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với đối tượng và nguy cơ lây nhiễm, tác hại, cách phòng, chống dịch bệnh động vật nhất là đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
5. Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả huyện (Ban chỉ đạo 389):  Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ lợn ốm, chết, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép ra, vào địa bàn huyện.
6. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 27/9/2018 của UBND huyện Khoái Châu về việc Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn huyện.
- Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn bộ các chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn xã, thị trấn.
- Tập trung chỉ đạo sát sao, đồng bộ, quyết liệt công tác thú y tại địa phương với phương châm”Phòng dịch như chống dịch” và theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của thủ tướng Chính phủ về việc Quy định thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.
- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, nhân lực, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nơi nào buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra dịch bệnh động vật thì Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm.
- Rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn; bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy.
- Tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của từng xã, thị trấn để có số liệu ước tính chính xác kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra;
- Yêu cầu hộ chăn nuôi, giết mổ lợn khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải báo ngay cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; ký cam kết không bán chạy, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh và vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh; thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; Yêu cầu các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chủ động đầu tư kinh phí mua các loại vắc xin, hóa chất khử trùng để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Nguyễn Thắm

UB huyện