Công tác bảo vệ môi trường tại huyện Khoái Châu

Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường

1. Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường:
1.1. Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường
* Môi trường đất
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2016, huyện Khoái Châu có diện tích đất tự nhiên là 13.097,59 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 8.917,23 ha, chiếm 68,1% diện tích đất tự nhiên của huyện. Trong đó, diện tích đất trồng lúa và hoa màu là 2.459,77 ha, đất trồng cây hàng năm như: nhãn, bưởi, chuối là 588,77 ha. Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng bị thu hẹp do việc thu hồi đất để chuyển sang xây dựng nhà ở, trang trại chăn nuôi và các cụm công nghiệp.                  
Các nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường đất bao gồm: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động làng nghề, chất thải sinh hoạt, trang trại chăn nuôi ... do tiếp nhận các nguồn nước thải, chất thải rắn có hàm lượng ô nhiễm cao cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trên địa bàn huyện Khoái Châu, hiện nay hoạt động của các trang trại chăn nuôi vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng xấu đến môi trường đất cả về chất và lượng.
* Môi trường nước
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2016, huyện Khoái Châu có diện tích đất sông ngòi, kênh là 624,68 ha, chiếm 4,77 % diện tích đất tự nhiên; đất có mặt nước chuyên dùng là 12,72 ha, chiếm 0,09% diện tích đất tự nhiên. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa làm giảm diện tích mặt nước đáng kể. Đặc biệt, nhiều ao, hồ, đầm thuộc các xã bị thu hẹp diện tích hoặc bị lấp đi sử dụng cho mục đích khác.
Chất lượng nước mặt của huyện Khoái Châu có dấu hiệu ô nhiễm từ nhiều năm qua. Đặc biệtchất thải từ ngành chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước mặt xung quanh khu vực chăn thả gia súc, ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt… Hiện nay, trang trại chăn nuôi đa phần nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Huyện Khoái Châu có khối lượng xả thải của các khu chăn nuôi xả vào sông cao nhất, chiếm 44,5% toàn tỉnh (Nguồn: Báo cáo điều tra các dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục năm 2013). Nguồn thải chính từ chăn nuôi đối với nước sông là do nước thải các hộ chăn nuôi lợn với số lượng lớn và nước thải sinh hoạt từ khu dân cư.
Chất lượng nước ngầm của huyện Khoái Châu đã có dấu hiệu ô nhiễm Coliform. Tham khảo kết quả quan trắc mạng lưới tỉnh Hưng yên năm 2017 cho thấy, nước ngầm tại các điểm quan trắc: hộ dân trong làng nghề miến dong xã Tứ Dân có chỉ tiêu coliform vượt 14,3 lần so với QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Hiện nay,nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm, mực nước của các tầng chứa nước giảm liên tục.
Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước của huyện chủ yếu gồm: Nước thải sinh hoạt, nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, nước thải từ hoạt động chăn nuôi, nước thải y tế, nước thải từ bãi rác.
* Môi trường không khí xung quanh
Căn cứ vào quá trình khảo sát, kết quả quan trắc và phân tích hiện trạng chất lượng môi trường không khí tại một số điểm trên địa bàn huyện Khoái Châu vào tháng 12 năm 2017 cho thấy nguồn gây tác động chính tới môi trường không khí xung quanh của huyện từ các hoạt động giao thông vận tải, hoạt động của các nhà máy gạch trên địa bàn huyện, hoạt động của các hộ chăn nuôi.
Theo kết quả quan trắc môi trường do Trung tâm quan trắc – Sở TN&MT thực hiện, chất lượng môi trường không khí tại 8 vị trí trên địa bàn huyện Khoái Châu vẫn còn khá tốt. Cụ thể, hầu hết các chỉ tiêu phân tích tại các vị trí trên khu vực chợ, khu vực lò gạch, khu vực dân cư và khu vực UBND xã Phùng Hưng đều nằm trong QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (trung bình 1 giờ); QCVN 26:2010/BTNMT và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn đối với khu vực thông thường.
1.2. Các nguồn gây ô nhiễm tới các thành phần môi trường của huyện Khoái Châu
Các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện chủ yếu từ: các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề, hoạt động của các hộ chăn nuôi, hoạt động của các khu dân cư tập trung. Cụ thể:
* Tác động từ hoạt động của làng nghề trên địa bàn huyện:
Nhiều làng nghề phát sinh chất thải công nghiệp chưa được xử lý ngày càng lớn, xả tùy tiện vào nơi công cộng, dọc hai bên đường, vào hệ thống thủy lợi gây nhiều tác hại, gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường như sau: 
+ Làng nghề mây tre đan xuất khẩu Liên Khê, làng nghề mây tre đan thị trấn Khoái Châu, Làng nghề mây tre đan Bình Kiều.
+ Làng nghề mộc Minh Khai, Đại Tập.
+ Làm mứt Tết ở xã Bình Minh.
Tại các làng nghề này, hầu hết các công đoạn trong dây chuyền sản xuất đều phát sinh 1 lượng chất thải rắn và 1 lượng nước thải sinh hoạt của công nhân làm việc. Nước thải có tải lượng chất gây ô nhiễm lớn làm nhiễm bẩn tới môi trường bởi các chất hữu cơ gây phú dưỡng, bồi lắng dòng mương dẫn và ô nhiễm môi trường nước mặt và ô nhiễm đất.
* Tác động từ hoạt động của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện:
Trên địa bàn huyện, còn rất nhiều các hộ gia đình chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít nên không có công trình xử lý nước thải chăn nuôi, và lượng nước thải này đa phần không được xử lý đạt TCCP đã thải trực tiếp ra nguồn nước mặt, thêm nữa tại các kênh mương xung quanh các xã đặc biệt là xã Đông Tảo la liệt phân và xác động vật chết thối không thoát đi đâu được, trên kênh Đại Thần (đoạn nằm giữa thôn Kim Quan và xã Việt Hòa) hàng trăm con lợn chết bị vứt thành từng đống dọc bờ và dưới kênh, gây ô nhiễm nghiêm trọng các kênh, mương cục bộ tại địa phương.
* Tác động từ các khu dân cư tập trung, các cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện:
Lượng rác thải, nước thải trong sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng. Nhiều nơi chưa có bãi rác thải tập trung, có nơi còn xử lý đơn giản. Các bãi rác tại các thôn xã chủ yếu là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, việc xử lý chất thải đến nay chủ yếu là đổlộ thiên, ít có sự kiểm soát nên mùi hôi và nước bẩn là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không ký hợp đồng xử lý rác thải với đơn vị có chức năng mà bán phế liệu lẫn rác thải cho người buôn bán phế liệu và sau đó rác thải công nghiệp bị đốt gây ô nhiễm không khí và bị thải bừa bãi lẫn với rác thải dân sinh gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý. Tình trạng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xả nước thải, khí thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra xung quanh tác động xấu đến môi trường. Các doanh nghiệp khi đầu tư đều cam kết xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải mà xả thải trực tiếp ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
Nước thải tại các khu dân cư tập trung của các xã và thị trấn chưa qua xử lý đổ ra các sông là nguồn phát thải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều mương ao, hồ trở thành nơi chứa nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
1.3. Tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
Căn cứ vào dân số của huyện Khoái Châu năm 2017 là 208.376 người, trong đó dân số tại thị trấn Khoái Châu là 7.990 người, dân số các xã là 200.386 người. Ước tính lượng chất thải rắn bình quân đầu người trên địa bàn thị trấn là 0,5 kg/người/ngày, trên địa bàn các xã là 0,3 kg/người/ngày, vậy tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện là 64,1 tấn/ ngày.
1.4. Các vấn đề môi trường chính, quy mô, tính chất và các tác động xấu lên môi trường:
* Ô nhiễm môi trường không khí bởi tình trạng hoạt động của các công ty sản xuất gạch và cung cấp vật liệu xây dựng
Trên địa bàn huyện hiện nay có đến 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch nung. Lượng khói thải ra không khí với nồng độ CO2 cao, những ống khói trông như đầu thuốc lá khổng lồ đua nhau nhả khói kín mịt bầu trời, mùi than bốc lên nồng nặc, không khí ngột ngạt, khó thở khiến nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực các nhà máy không chỉ thường xuyên đau ốm, bệnh tật mà còn điêu đứng vì mùa màng thất thu. Theo phản ánh của người dân đang sinh sống tại thôn Hồng Châu, xã Tân Châu về việc nhà máy gạch Vinh Kiểm, Khoái Châu và bến bãi tập kết VLXD của Công ty Việt Tuấn trong quá trình các xe vận chuyển đất, cát, đá đi lại làm rơi vãi, làm hỏng đường, bụi bặm và khí than thải ra gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói cần một lượng đất nguyên liệu rất lớn, hàng triệu m3 đất/năm, nhưng số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có mỏ để khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch không nhiều chỉ chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, dẫn đến phần lớn doanh nghiệp mua đất trôi nổi trên thị trường, làm đất đai ở nhiều vùng nông thôn bị đào bới, lấy đất làm gạch, gây bức xúc ở nhiều địa phương.
* Vấn đề ô nhiễm rác thải:
Rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn ngày càng lớn nhưng việc xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, tiêu hủy thủ công dẫn đến nguy cơ hình thành nguồn gây ô nhiễm môi trường cao đang là vấn đề cấp bách cần được quan tâm, giải quyết.
* Vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại xã Hồng Tiến
Ô nhiễm nước tại xã Hồng Tiến xuất phát từ hoạt động tái chế vỏ bao xi măngảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Hoạt động làm sạch vỏ bao xi măng và việc chất thải có mặt ở khắp nơi trong xã làm ô nhiễm nguồn nước mặt tại các mương xung quanh địa bàn.
* Vấn đề ô nhiễm các dòng sông, kênh, mương trên địa bàn huyện Khoái Châu do hoạt động chăn nuôi và nước thải sinh hoạt khu dân cư:
Kết quả phân tích chất lượng nước mặt tại các sông, kênh, mương trên địa bàn huyện Khoái Châu cho thấy, mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh đang diễn ra ở nhiều điểm quan trắc do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, kênh, mương tiếp nhận nước thải của hộ gia đình và khu chăn nuôi tập trung đã có dấu hiệu ô nhiễm nặng.
* Vấn đề kinh tế - xã hội:
Phức tạp do địa bàn huyện có nhiều dân di cư từ địa phương khác tới để lao động tại các nhà máy, công ty.

Nguyễn Thắm

UBND huyện Khoái Châu