Bảo đảm để có vụ xuân thắng lợi

Khoái Châu là một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa xuân lớn của tỉnh, trước những diễn biến bất thường của thời tiết và tình hình sâu bệnh, huyện đã chủ động có nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ để lúa phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng.

Vụ xuân 2010, toàn huyện Khoái Châu gieo cấy được 3700 ha lúa và đã cơ bản hoàn thành trong tháng 2, theo đúng khung thời vụ. Thăm những cánh đồng trên địa bàn huyện vào thời điểm này, nông dân các xã, thị trấn đang tập trung chăm sóc cho lúa, nhất là những diện tích gieo sạ, gieo vãi, vừa bón phân, điều tiết nước vừa cẩn thận theo dõi từng khoảng ruộng để bảo vệ lúa khỏi sự phá hoại của chuột, ốc bươu vàng và một số loại sâu bệnh xuất hiện sớm.

Theo thông tin từ phòng NN&PTNT huyện Khoái Châu, vụ xuân này huyện đưa vào gieo cấy được trên 800 ha lúa lai với nhiều giống mới, năng suất cao như: SYN6, Dương Quang, Thục Hưng… và phát triển mạnh một số giống lúa chất lượng cao như: tẻ thơm, tẻ đỏ, nếp các loại… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa của địa phương. Phòng NN&PTNT huyện cùng với HTX DVNN các địa phương đã chỉ đạo kịp thời, khuyến cáo nông dân áp dụng những phương pháp gieo cấy mới như gieo sạ hàng, gieo vãi, đặt mạ non, tiến tới bỏ hẳn cấy mạ dược để vừa giảm ngày công gieo cấy, vừa đem lại năng suất cao. Riêng năm nay huyện Khoái Châu có trên 95% diện tích sử dụng phương pháp gieo thẳng và đặt mạ non, nhiều địa phương đạt 100% gieo thẳng và sạ hàng, nhờ đó hầu hết diện tích lúa xuân phát triển ổn định, chống chịu rét tốt, không bị thui chột và đang bước sang giai đoạn đẻ nhánh rộ.

 

Cán bộ phòng NN&PTNT huyện Khoái Châu thường xuyên bám sát đồng ruộng để theo dõi lúa xuân

 

Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết và sâu bệnh, bà Nguyễn Thị Lý- Trưởng phòng NN&PTNT huyện khẳng định, ngay từ đầu vụ, theo sự chỉ đạo từ các cấp và tình hình thực tế của địa phương, huyện đã tăng cường các biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa xuân. Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Xí nghiệp KTCTTL Châu Giang sớm trữ nước tại các kênh mương để có đủ nước tưới dưỡng cho lúa sau gieo cấy, khắc phục tình hình khô hạn.

Trước và sau tết, huyện đã triển khai được 2 đợt diệt chuột quy mô lớn, kịp thời bảo vệ được diện tích lúa mới gieo. Bên cạnh đó, phòng đã lên kế hoạch cụ thể để cán bộ của phòng phối hợp cùng các địa phương tích cực theo dõi diễn biến sâu bệnh, sớm có biện pháp ứng phó. Tuy những bệnh nguy hiểm trên lúa như: đạo ôn, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen chưa thấy xuất hiện, song huyện vẫn khuyến cáo để các địa phương và người dân cảnh giác, phát hiện sớm, xử lý triệt để.

Đến nay, các địa phương trong huyện đã hoàn thành bón thúc đợt 1, bón bổ sung hỗn hợp cho những diện tích gieo cấy sau, tiến hành tỉa bớt ở những khu vực quá dày, dặm xen ở những ruộng thưa hoặc bị chuột, ốc cắn phá.

Xã Việt Hòa là một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa xuân lớn của huyện Khoái Châu với hơn 1100 mẫu. Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, năm nay xã đã bỏ hẳn phương pháp cấy mạ dược, thay vào đó là sử dụng phương pháp gieo thẳng và đặt mạ non để đạt hiệu quả cao hơn. Ông Lê Văn Vết, chủ nhiệm HTX DVNN xã Việt Hòa cho biết, năm nay xã đã tiến hành phổ biến, chuyển giao KHKT sớm và đầy đủ cho bà con xã viên, định hướng cho các hộ sử dụng những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đồng thời liên hệ với các đơn vị cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân được mua trả chậm, kịp thời chăm bón, bảo vệ lúa.  Trên khắp các thửa ruộng ở Việt Hòa, dù là diện tích gieo thẳng, gieo vãi hay đặt mạ non lúa đều lên lá và đẻ nhánh mạnh, phát triển đồng đều. Anh Vũ Văn Trung, nông dân trong xã phấn khởi cho biết: "được địa phương tổ chức tập huấn đầy đủ, gia đình tôi và rất nhiều hộ đã áp dụng gieo vãi, gieo sạ hàng thành công, có phương pháp chăm bón, tưới dưỡng hợp lý nên nhiều năm nay năng suất lúa của gia đình cao hơn hẳn, bình quân đạt 2,3- 2,5 tạ/sào, lúa lai chăm sóc tốt có thể đạt 3- 3,5 tạ/sào".

Cán bộ của phòng nông nghiệp và Trạm BVTV huyện hàng tuần đều tiến hành theo dõi, kiểm tra, có báo cáo cụ thể về tình hình phát triển của lúa và diễn biến sâu bệnh ở từng xã, thị trấn, thông báo thường xuyên trên đài truyền thanh để nông dân nắm bắt, có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt chú trọng theo dõi bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, lùn xoắn lá vì bệnh này đã gây hại ở các tỉnh lân cận, sớm phát hiện để khoanh vùng kiểm soát.  Vào thời điểm này, Xí nghiệp KTCTTL Châu Giang cùng với trạm bơm của các xã, thị trấn trong huyện cũng đang khẩn trương bơm nước lên các kênh mương để tưới dưỡng cho lúa. Do thời tiết khô hạn không có mưa, nhiều khu vực trong huyện khó khăn về nước tưới, các địa phương đã khắc phục bằng cách bơm nối các kênh, nối dài ống và túc trực thường xuyên để bảo đảm đủ nước cho lúa sinh trưởng.

Thời gian tới, khi thời tiết ấm dần là thời điểm thích hợp để lúa đẻ nhánh, phát triển lá nhưng cũng sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển trên diện rộng. Để lúa xuân phát triển tốt, bảo đảm một vụ mùa thắng lợi, phòng NN&PTNT huyện cũng khuyến cáo người dân cần chủ động chăm sóc tốt cho lúa, điều tiết nước hợp lý, bón phân đầy đủ, tăng cường phân lân, ka-li để cây cứng, chống rét, quan tâm theo dõi những biểu hiện của sâu bệnh để kịp thời phòng trừ.

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
286 người đang online