25/02/2023 | lượt xem: 1 Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân... Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ. Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là hội nghị quan trọng để thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào có tính toàn cầu. Trong nước, tình hình có thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế chịu sức ép cùng lúc từ các bên, từ bên ngoài và cả yếu tố bên trong, nhất là sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng, các thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước-về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Về dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt quan điểm đây là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị… trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT… và đánh giá phản ứng của chúng ta trước những vấn đề mới, chúng ta tiếp tục có giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Báo cáo của Ủy ban cho biết, chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước. Năm 2023 còn là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025. Năm 2023 thành công với việc hoàn thành các mục tiêu quan trọng đã đặt ra đến năm 2025 sẽ tạo lập nền tảng mang tính quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược không chỉ giai đoạn 2021-2025 mà còn cho cả giai đoạn đến năm 2030. Năm 2022, các chỉ số đều đạt và vượt so với mục tiêu. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 54,34%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt 30,07%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%… Về thực hiện Đề án 06, tính đến ngày 19/02/2023, có 177.774.335 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, có 8.547.477 hồ sơ trực tuyến. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú đạt 98,51; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông đạt 63,39%; đã tích hợp VNeID trên cổng dịch vụ công Quốc gia... Tại hội nghị, các thành viên Ủy ban và Tổ công tác tập trung đánh giá về tình hình chuyển đổi số và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, nhất là dịch vụ công trực tuyến; đề xuất những giải pháp cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Lãnh đạo các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành doanh nghiệp, dịch vụ; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong các dịch vụ công, giao dịch kinh tế, dân sự; thanh toán điện tử... Hội nghị đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các đại biểu cho rằng, việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip giúp công dân được giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí; giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, giảm thiểu tình trạng “tham nhũng vặt”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại những kết quả về chuyển đổi số và triển khai Đề án 06; đồng thời biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số tồn tại, hạn chế như đến nay mới có 06/30 bộ, ngành, và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ 01/01/2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. “Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy”, Thủ tướng chỉ rõ. Cùng với phân tích về những thách thức trong chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cũng theo Thủ tướng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, với sự tham gia tích cực của toàn dân; triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số”. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm trễ, không theo đúng kế hoạch. Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ đạo, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong cả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành trong các bộ, ngành, địa phương; kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu về kinh tế-xã hội từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ rõ, phải tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng; đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, tập trung rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. “Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng; rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng Chính phủ cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; tích hợp, liên thông với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế; triển khai sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, gắn định danh điện tử với mã số thuế; hoàn thiện ứng dụng Ứng dụng như thẻ thông hành di chuyển nội địa (VneID), phấn đấu đến tháng 6 năm 2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân... Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với thông tin xấu độc, sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước; làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao, giải quyết tình trạng “SIM rác”. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lộ trình bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi quốc gia, Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư công cho nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 và đến năm 2025; đẩy mạnh chuyển đổi số trong phê duyệt, bố trí vốn, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực: hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, siêu thị… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhanh chóng ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai sau khi Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt được phê duyệt và triển khai trên thực tế bảo đảm thuận tiện, hiệu quả, an ninh, an toàn, nhất là trong sử dụng dịch vụ công, chi trả cho các đối tượng chính sách, thực hiện nghĩa vụ thuế… Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp tiếp tục thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước; nghiên cứu giải pháp sổ lao động điện tử cho người lao động. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai, hướng dẫn các địa phương quyết liệt triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường./. Nguồn tin: dangcongsan.vn
Thông báo kết luận kiểm tra thực hiện công tác cải cách hành chính; kết quả thực hiện Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) năm 2024
Công bố kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công tháng 9/2024 trên địa bàn huyện Khoái Châu
Tổ chức các hoạt động Ngày Chuyển đổi số huyện Khoái Châu và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024