24/12/2018 | lượt xem: 2 Công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên tại huyện Khoái Châu Trên địa bàn huyện Khoái Châu hiện nay 100% thôn của các xã, thị trấn đã hình thành mô hình tổ thu gom rác tự quản ... 1. Cơ cấu tổ chức và các nguồn lực bảo vệ môi trường Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân huyện Khoái Châu, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện quản lý nhà nước về: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường.Tính đến năm 2017, phòng hiện có 01 cán bộ biên chế chuyên môn về môi trường. Các thị trấn, xã chưa có cán bộ quản lý môi trường mà chỉ có cán bộ địa chính, xây dựng, giao thông, thuỷ lợi kiêm nhiệm. 2. Các hoạt động bảo vệ môi trường Trên địa bàn huyện Khoái Châu hiện nay 100% thôn của các xã, thị trấn đã hình thành mô hình tổ thu gom rác tự quản, toàn huyện hiện có 156 tổ VSMT với khoảng 400 lao động. Trung bình mỗi hộ đóng khoảng 15.000 đồng/1 tháng phí VSMT, thu được khoảng 90% số hộ. Số kinh phí này được dùng để chi trả chế độ cho các tổ VSMT. Rác thải được thu gom, tập kết tại các bãi rác của xã, các điểm tập kết rác bằng container để vận chuyển đi xử lý bằng xe cuốn ép rác chuyên dụng của huyện. Năm 2018, huyện đã vận chuyển, xử lý trên 20.000 tấn rác thải. Công tác phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tiếp tục được triển khai nhân rộng đến toàn bộ 25 xã, thị trấn với 18.245 hộ tham gia, đạt tỷ lệ 33% số hộ toàn huyện. UBND huyện Khoái Châu đã hỗ trợ cho các tổ VSMT các xã, thị trấn tổng cộng 619 xe thu gom rác thải (năm 2012: 169 xe, năm 2013: 175 xe, năm 2015: 145 xe, năm 2016: 130 xe) và 1.632 bộ trang phục BHLĐ (năm 2012: 456 bộ, năm 2013: 460 bộ, năm 2017: 716 bộ). Thực hiện tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện thông qua hệ thống đài phát thanh của các xã. 3. Đánh giá chung về kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân 2.5.1. Khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý môi trường - Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số cơ sở chưa được khắc phục và có xu hướng phức tạp hơn gây bức xúc trong nhân dân. - Việc thu gom rác chưa đáp ứng được triệt để nhu cầu vận chuyển rác thải cho các xã, thị trấn. - Công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ môi trường chưa được quan tâm thường xuyên và đầu tư chưa tương xứng với thực trạng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong công tác bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường chưa nhiều. - Việc quản lý, sử dụng ngân sách cho sự nghiệp môi trường còn nhiều đầu mối, hiệu quả sử dụng chưa cao; huy động nguồn lực từ nhân dân và các doanh nghiệp cho công tác bảo vệ môi trường còn thấp; việc xây dựng các cơ chế chính sách về xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường còn chậm. - Tổ chức, bộ máy, đội ngũ làm công tác bảo vệ môi trường chưa được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc phát hiện, kiểm tra, xử lý các đơn vị gây ô nhiễm môi trường còn chưa kịp thời; công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường còn hạn chế; áp dụng chế tài xử phạt hành chính còn chưa nghiêm; các hoạt động bảo vệ môi trường chưa được gắn kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở. - Nhận thức về vai trò, trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT xảy ra, điển hình là vụ tái chế vỏ bao xi măng gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân xảy ra tại xã Hồng Tiến. - Rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn ngày càng lớn nhưng việc xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, tiêu hủy thủ công dẫn đến nguy cơ hình thành nguồn gây ô nhiễm môi trường cao, đang là vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết. - Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, chưa đủ tính răn đe. - Ở một số cơ sở xã, thị trấn, cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở theo quy định của pháp luật; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. - Kinh phí bố trí, phân bổ phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và phục vụ cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải dân sinh rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trên địa bàn huyện. 4. Phương hướng và giải pháp Nhiệm vụ trọng tâm * Về mặt chính sách, thể chế, luật pháp liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường - Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thực sự lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của huyện; - Đưa thêm các chế tài đủ mạnh và đủ sức răn đe đối với các đơn vị vi phạm gây ô nhiễm môi trường vào các văn bản quy định về quản lý môi trường của huyện để hạn chế tiến tới không còn việc xả nước thải không qua xử lý ra môi trường của các doanh nghiệp. - Bổ sung các quy định về sự tham gia của cộng đồng trong các văn bản chính sách của địa phương. * Tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường Hàng năm lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát chất lượng môi trường tại các cụm, điểm công nghiệp; xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm; giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa phương. Trong đó, có việc quy định cụ thể hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt cấp xã trong việc phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm ngay từ khi các cơ sở mới có hành vi vi phạm; gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn quản lý với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để đưa cấp chính quyền cơ sở vào cuộc, nâng cao trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở (cấp xã) trong công tác bảo vệ môi trường. Phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường huyện nhằm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn huyện. Kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải của các khu dân cư, chợ về nơi quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ điều tra, thống kê các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại. * Vấn đề nguồn lực con người, tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường Tăng cường về số lượng và chất lượng cán bộ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện cơ quan bảo vệ môi trường cấp huyện, xã, thị trấn, đặc biệt là tại các khu vực có nhiều doanh nghiệp, đơn vị gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ công chức cơ sở trong việc thi hành các quy định của pháp luật môi trường ở địa phương. Tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tập huấn, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học cho các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Tổ chức biên soạn hệ thống chương trình phát thanh, truyền hình để chuyển tải đầy đủ nội dung về trách nhiệm bảo vệ môi trường của người công dân; phổ cập và nâng cao hiểu biết về môi trường, cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường; cổ động liên tục cho các phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, nêu gương điển hình trong hoạt động bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình tự chủ, tự quản về bảo vệ môi trường. Lồng ghép yếu tố môi trường trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa phương, cơ sở. Cộng đồng trực tiếp tham gia giải quyết các xung đột môi trường. Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các hoạt động có tính phong trào của các ngành, tổ chức đoàn thể. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động sinh hoạt của học sinh, sinh viên các trường. Nguyễn Thắm
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Khoái Châu tổ chức Hội nghị lần thứ 13 khoá XXI, nhiệm kỳ 2019-2024
Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “chuyển hóa, xây dựng xã Đông Ninh không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030