Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi động vật hoang dã ở huyện Khoái Châu

Những năm gần đây, ở huyện Khoái Châu đã có nhiều hộ gia đình phát triển nghề nuôi động vật hoang dã, chủ yếu là nhím, lợn rừng, ba ba, cá sấu, rắn hổ mang... Đây đang là hướng đi mới vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo tồn một số loài động vật hoang dã.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, toàn huyện hiện có khoảng 40 hộ chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép, trong đó có 5 mô hình nuôi lợn rừng, 3 mô hình nuôi rắn, 3 mô hình nuôi cá sấu, 14 mô hình nuôi nhím, 13 mô hình nuôi ba ba,…

Ông Phạm Văn Biên, chủ trang trại chăn nuôi nhím ở xã Bình Minh hào hứng kể: “Sau khi đi tìm hiểu học tập kinh nghiệm từ các trang trại nuôi nhím ở trong và ngoài tỉnh, gia đình tôi quyết định nuôi nhím. Năm 2007 gia đình tôi nuôi 5 đôi nhím chủ yếu là để chơi, làm cảnh, đến nay đã phát triển lên 50 cặp nhím bố mẹ chuyên sinh sản. Nhím mẹ 10 tháng sinh 2 lứa, mỗi lứa sinh từ 1-4 con. Mỗi cặp nhím giống 2 tháng tuổi hiện nay có giá 7 triệu đồng, nhím thịt có giá 350- 400 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, gia đình chủ yếu bán nhím giống. Mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ việc nuôi nhím”. Theo ông Biên thì nhím là động vật dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, trong khi đó cho lãi ròng trên 20 triệu đồng/năm. Thức ăn cho nhím rất dễ tìm: rau, củ, quả, hạt... các loại. Nhím lại ít dịch bệnh,  chủ yếu là đau mắt (do chuồng bẩn) và đau bụng (do thức ăn ôi thiu). Về kinh nghiệm chăm sóc nhím, ông Biên cho biết: “Nếu nhím đau bụng thì cho ăn các loại quả xanh (chuối xanh, ổi xanh...); đau mắt thì nấu lá trầu bằng nước sôi, bỏ thêm vào một ít muối hột và để nước nguội nhỏ vào mắt là hết”.

Còn xã Đông Tảo lại có nhiều hộ gia đình chuyên nuôi lợn rừng, cá sấu. Gia đình ông Giang Huy Phán (xã Đông Tảo) là hộ chăn nuôi nhiều lợn rừng nhất của huyện Khoái Châu. Ông Phán cho biết: “Gia đình tôi tận dụng 400m2 diện tích đất vườn để xây chuồng trại nuôi lợn rừng. Ban đầu tôi chỉ nuôi 5 con, đến nay đàn lợn đã phát triển lên 15 con nái. Trung bình mỗi con nái đẻ khoảng 2 lứa/ năm, mỗi lứa từ 7- 8 con, sau khi nuôi được khoảng 3 tháng có thể bán ra với giá 2,5 triệu đồng một con lợn giống. Chăn nuôi lợn rừng ít dịch bệnh, chi phí thức ăn lại thấp nên lãi cao”. Ngoài ra, gia đình ông Phán còn nuôi thêm 25 đôi dúi sinh sản với giá dúi giống hiện nay là 1 triệu đồng/đôi. Ông cho biết, so với nuôi lợn rừng thì nuôi dúi còn dễ hơn nhiều bởi thức ăn của dúi là rau, củ đơn giản, không cần mua cám, dúi lại ít khi bị bệnh nên rất dễ chăm sóc. Trừ chi phí chuồng trại và thức ăn, mỗi năm gia đình ông Phán thu lãi gần 200 triệu đồng từ việc chăn nuôi lợn rừng và nuôi dúi.

Việc gây nuôi động vật hoang dã thu được lợi nhuận cao nên trong những năm gầy đây, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu đã tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi. Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều được Phòng Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi (nếu có nguồn gốc vật nuôi hợp pháp, bảo đảm vệ sinh môi trường), hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cả đầu ra cho sản phẩm. Để tuyên truyền vận động người dân về kỹ thuật gây nuôi sinh sản, sinh trưởng và thủ tục đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã, Phòng cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và thủ tục đăng ký gây nuôi.

 

Một góc trang trại nuôi lợn rừng của gia đình ông Giang Huy Phán

 

Anh Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: “Chăn nuôi các loài động vật hoang dã một mặt bảo tồn được loài trong tự nhiên, mặt khác đem lại hiệu quả kinh tế cho người gây nuôi. Hiện nay nghề nuôi động vật hoang dã đang trở thành nghề kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Trong những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các cấp và các địa phương nhiều lần tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi động vật hoang dã ở trong và ngoài tỉnh. Việc tăng cường công tác tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền giúp cho người dân hiểu được kỹ thuật nuôi động vật hoang dã. Khi người dân nhìn thấy được cái lợi về kinh tế, thì họ sẽ mạnh dạn hơn”.

Mô hình chăn nuôi động vật hoang dã đã được thuần dưỡng của người dân huyện Khoái Châu vừa có nguồn thu nhập cao, vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương và là nơi tham quan lý tưởng của nhiều người yêu thích động vật hoang dã. Đây là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá, giàu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Theo baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
86 người đang online