21/06/2017 | lượt xem: 1 Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết tiêu thụ sản phẩm cho xã viên Trước tình hình giá xuất bán lợn thịt thương phẩm xuống thấp và kéo dài, người chăn nuôi lợn ở khắp các địa phương trong tỉnh rơi vào cảnh khó khăn ... Trước tình hình giá xuất bán lợn thịt thương phẩm xuống thấp và kéo dài, người chăn nuôi lợn ở khắp các địa phương trong tỉnh rơi vào cảnh khó khăn, Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết (xã Đông Kết, Khoái Châu) đã có cách làm sáng tạo: “Giải cứu” đàn lợn, giúp đỡ các xã viên chăn nuôi lợn trong hợp tác xã, đem đến cho người tiêu dùng thực phẩm mức giá hợp lý nhất. Điểm bán thịt lợn buổi sáng của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết Một buổi sáng trung tuần tháng 6, chúng tôi có mặt tại điểm bán thịt lợn tươi sống của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết, được chứng kiến không khí mua bán tấp nập của các xã viên hợp tác xã và bà con trong vùng. Trong tiếng nói cười rôm rả, anh Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết vui vẻ cho biết: “Lợn thịt là của xã viên thuộc hợp tác xã, con nào cũng đạt trọng lượng hơn 1 tạ trở lên, chất lượng bảo đảm, chăn nuôi theo quy trình Vietgahp, được giết mổ tại cơ sở giết mổ có quy trình an toàn, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhưng giá bán thịt tới tay người tiêu dùng rẻ hơn giá bán ngoài chợ từ 5 – 10 nghìn đồng/kg”. Khách hàng mua ít thì một vài kg, khách mua nhiều thì tới ¼ - ½ con lợn. Chị Nguyễn Thị Tươi, một khách hàng tới mua thịt lợn cho biết: “Chưa khi nào người dân chúng tôi được mua thịt lợn vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn mà giá cả lại phải chăng như thế này. Mong rằng chương trình thu mua lợn thịt của xã viên sẽ phát triển, đi vào hoạt động đều đặn để người dân chúng tôi có thịt lợn ngon, sạch, rẻ hàng ngày”. Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết được thành lập từ năm 2016 với 13 thành viên. Trong đó có 6 thành viên chuyên chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn của các hộ thành viên thường xuyên ở mức 360 con. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi lợn thuộc hợp tác xã lại nằm trong các “nhóm Gahp”, thuộc vùng Gahp huyện Khoái Châu – Các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thuộc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Sản phẩm lợn thịt thương phẩm của các hộ chăn nuôi có chất lượng tốt, bảo đảm quy trình vệ sinh – an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trước sự “tuột dốc” của giá lợn hơi trong cả nước, lợn thịt thương phẩm của các hộ này cũng trong tình trạng bị rẻ rúng, chăn nuôi thua lỗ. Trước thực trạng này, chương trình thu mua lợn thịt của xã viên – giết mổ tập trung – cung cấp thực phẩm tươi sống đến tay người tiêu dùng đã được hợp tác xã triển khai với sự đồng tình nhất trí cao của các xã viên cũng như sự ủng hộ của nhân dân. Chương trình “giải cứu” của hợp tác xã đã đem lại nhiều lợi ích: Hợp tác xã thu mua lợn thịt thương phẩm cho xã viên cao hơn giá bán cho thương lái 3 - 4 nghìn đồng/kg hơi; bán thịt lợn cho người dùng rẻ hơn thị trường 5 – 10 nghìn đồng/kg; bảo đảm thịt lợn tươi ngon nhờ quy trình giết mổ an toàn và được kiểm dịch, kiểm soát. Định hướng trước mắt của hợp tác xã là tổ chức giết mổ lợn tập trung, cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mỗi tuần một lần, số lượng lợn giết mổ từ 3 – 5 con/lần và có thể tăng lên dựa theo nhu cầu của người tiêu dùng và hiệu quả của mô hình. Với mong muốn đưa hoạt động của hợp tác xã ngày càng liên kết hơn, hiệu quả hơn, hiện nay hợp tác xã đã kết hợp với cơ sở giết mổ lợn ngay trên địa bàn. Đây là một trong những cơ sở giết mổ gia súc được đầu tư về cơ sở hạ tầng, được Dự án Lifsap hỗ trợ trong thiết kế, xây dựng và vận hành. Nhờ đó, sản phẩm lợn được giết mổ theo quy trình an toàn, vệ sinh, chất lượng thịt tươi sống sau giết mổ thơm ngon và bảo đảm hơn. Hợp tác xã cũng đề nghị cơ quan thú y tiến hành kiểm soát giết mổ, kiểm dịch tất cả số lợn giết mổ trong mỗi lần để bảo đảm lợn thịt thương phẩm khỏe mạnh, không dịch bệnh, chất lượng tốt. Nhìn những miếng thịt ba chỉ, thịt nạc vai, sườn… tươi rói trên mặt bàn inox sáng loáng, những cân giò nạc nóng hổi còn tỏa khói nhè nhẹ, hay những khay thịt xay nhuyễn “hút” người mua, chúng tôi cũng vui lây với xã viên và nhân dân trong xã. Tuy nhiên hiện nay, hợp tác xã mới chỉ đủ sức để “giải cứu” cho đàn lợn của chính các xã viên trong hợp tác xã, trong khi đó, đàn lợn được nuôi theo quy trình Vietgahp của nhân dân xã Đông Kết lên tới trên 2,5 nghìn con. Và ngày ngày, người nuôi lợn vẫn đang phải chịu thua lỗ, bán lợn giá rẻ cho thương lái, nhiều hộ không bán được lợn phải dừng chăn nuôi. Mong muốn của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đông Kết trong thời gian tới là nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người tiêu dùng để có thể mở rộng quy mô phục vụ, “giải cứu” được nhiều đàn lợn cho nông dân. Không những vậy, đây còn là hướng phát triển bền vững và có chiều sâu hơn cho hợp tác xã, tạo điều kiện cho xã viên, tạo cơ hội cho người chăn nuôi trong vùng và đem lại lợi ích tiêu dùng cho nhân dân. Theo Baohungyen.vn