Huyện Khoái Châu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, ghép cải tạo nhãn, vải và trồng mới vải trứng Hưng Yên

Ngày 26/10/2022, UBND huyện Khoái Châu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, ghép cải tạo nhãn, vải và trồng mới vải trứng Hưng Yên cho người dân, các Chủ hợp tác xã trên địa bàn huyện

       Hưng Yên là tỉnh ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liền kề thủ đô Hà Nội, gần một số tuyến trục kinh tế và đô thị lớn, có các tuyến đường bộ quan trọng của Quốc gia chạy qua; với điều kiện khí hậu, đất đai màu mỡ, nhất là có 6/10 huyện, thị xã, thành phố nằm cạnh sông Hồng, sông Luộc là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, vải, cây có múi… Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng,  chuyển từ trồng những cây có hiệu quả kinh tế thấp như lúa, ngô, đậu đỗ… sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh…do vậy diện tích sản xuất cây ăn quả phát triển mạnh mẽ qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 12.000 ha cây ăn quả các loại, một số loại cây ăn quả có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước, triển vọng xuất khẩu là rất lớn.
      Hưng Yên được coi là “cái lôi” của cây nhãn với quần thể giống nhãn rất phong phú, trong đó có nhiều giống nhãn là đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như: Nhãn chín muộn (PHM99 -1.1), nhãn hương chi (PHM99-1.2), các giống nhãn chín muộn (HTM1, HTM2, HTM6), nhãn đường phèn … bên cạnh đó, cây vải của tỉnh cũng có nhiều đặc trưng, thế mạnh  riêng so với nhiều vùng trồng vải của các tỉnh, thành trong cả nước như: chín sớm hơn so với đại trà từ 5 – 10 ngày, kích thước quả lớn, quả chín có cùi dày, vị ngọt thanh và có mẫu mã bắt mắt được thị trường tiêu thụ ưa chuộng; đến nay diện tích trồng các cây nhãn, vải chiếm gần 50% diện tích cây ăn quả và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân tại các huyện các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và thành phố Hưng Yên.
      Mặc dù nguồn giống nhãn, vải của tỉnh khá phong phú, tuy nhiên việc khai thác, phát triển, bảo tồn còn nhiều hạn chế; theo kết quả điều tra năm 2019 của Trung tâm Tài nguyên thực vật cho thấy: có đến trên 80% diện tích sản xuất nhãn của tỉnh trồng chủ yếu 02 giống là Nhãn chín muộn Khoái Châu và nhãn Hương Chi, đối với cây vải chủ yếu là 02 giống vải lai chín sớm và lai trứng chín sớm (diện tích vải lai chín sớm là chủ yếu) do vậy khả năng mất mùa là khá cao mỗi khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận. Nhiều giống nhãn, vải quý hiếm không được quan tâm bảo tồn, phát triển đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt như: nhãn đường phèn, nhãn cùi điếc, vải lai trứng, vải Yên Phú... .Việc khai thác sử dụng nguồn gen nhãn, vải còn tự phát, quy mô nhỏ, dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động. Nhiều nguồn gen quý chưa được quan tâm chăm sóc, bảo vệ, … nhìn chung các nguồn gen nhãn vải chủ yếu được trồng lẫn tạp trong vườn cây ăn quả. Hệ thống chính sách phát triển các cây nhãn, vải đã được xây dựng nhiều nhưng thiếu đồng bộ, chưa kịp thời như: chính sách quản lý, khai thác sử dụng, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, trồng, chăm sóc, chế biến, sử dụng. Ngoài ra, nguồn tài nguyên cây nhãn, vải còn có nguy cơ cạn kiệt do khai thác chưa đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn.
      Việc đưa vào sản xuất các giống cải tiến đã làm lãng quên và mất dần nhiều giống địa phương cổ truyền. Việc phát triển thâm canh theo hướng độc canh, các hoạt động công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng đã và đang thu hẹp hệ sinh thái - nơi khu trú của đa dạng các nguồn gen cây trồng. Do tác động của thị trường mà nhiều nguồn gen nhãn, vải bản địa có chất lượng rất tốt nhưng năng suất thấp bị chặt bỏ, thay thế. Việc chiết ghép, tạo ra những giống nhãn, vải mới với ưu điểm cho năng suất cao nhưng chất lượng ở mức trung bình đến khá đã thay thế cho những giống có chất lượng tốt, hương vị đậm đà như những giống nhãn, vải ngon trước đây.
      Nhằm lưu giữ nguồn gen, duy trì đa dạng sinh học, phục vụ nghiên cứu, lai tạo, nhân giống đáp ứng nhu cầu phát triển cây nhãn, vải của nông dân trong và ngoài tỉnh. Với mục tiêu  bảo tồn và phát triển nguồn gen nhãn, vải lai chín sớm cũng như các giống nhãn, vải có giá trị thương mại cao phục vụ sản xuất hàng hóa, những cây có chất lượng đặc sản đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, Trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, đề án “Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên” là chương trình hành động có tính chiến lược. Đề án được triển khai sẽ giúp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
1. Mục tiêu tổng quát:
      Bảo tồn nguồn gen nhãn, vải nhằm cung cấp nguồn gen phong phú để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững sản xuất cây nhãn, vải trong thời gian tới; bảo vệ môi trường, gìn giữ các nét văn hóa, truyền thống, tri thức bản địa và cung cấp vật liệu cho các chương trình chọn tạo giống và các nghiên cứu khoa học khác.
      Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để đầu tư phát triển, bảo tồn và thương mại hóa sản phẩm từ nhãn, vải lai chín sớm. Chú trọng bảo hộ, bảo tồn nguồn gen nhãn, vải phục vụ mục tiêu du lịch và chọn tạo giống. Giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức truyền thống về canh tác, sử dụng cây nhãn vải của cộng đồng. Tích hợp hệ thống công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc và xác thực để xây dựng cơ sở tra cứu và quản lý và xác thực đầu vào và đầu ra phục vụ tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm điều tiết và phát triển thị trường nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đưa tỉnh Hưng Yên trở thành vùng sản xuất, kinh doanh nhãn vải trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như trong cả nước.
      2. Mục tiêu cụ thể
      Đến năm 2025, đảm bảo cơ bản nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải và xác thực đảm bảo sản phẩm có chất lượng phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến, phát triển thị trường;
      Xây dựng 02 khu bảo tồn đối với cây nhãn tổ và cây vải tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quí hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập 01 vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh;
      Cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, những cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi chiếm từ khoảng 10% diện tích nhãn của tỉnh, đưa giá trị sản phẩm nhãn, vải tăng 10% so với thời điểm hiện tại vào năm 2025.
      Phát triển mở rộng diện tích trồng vải của tỉnh đến năm 2025 đạt từ 1.400 – 1500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ; trong đó diện tích trồng giống vải lai trứng chín sớm chiếm từ 30 – 35% diện tích trồng vải của tỉnh.
 

 

Hoàng Nam

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
187 người đang online