Khoái Châu chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi

Khoái Châu chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi

Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chăn nuôi, phân phối sản phẩm đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp, trong đó, sự tham gia của người dân là yếu tố quan trọng. Những kết quả bước đầu đạt được của chuyển đổi số trong chăn nuôi là minh chứng cho thấy chuyển đổi số đã giúp người chăn nuôi thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hướng đến nền nông nghiệp hiện đại.
Chủ động đổi mới, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi liên kết cung ứng thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là cách mà Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát, xã Đông Tảo (Khoái Châu) thực hiện thời gian qua để đưa sản phẩm chăn nuôi đến với người tiêu dùng. Trên diện tích 50 nghìn m2, HTX đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo khu riêng biệt, phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Các hệ thống máy móc như: Camera giám sát, hệ thống giàn mát, thiết bị ăn, uống tự động… được đầu tư lắp đặt bảo đảm cung cấp chất lượng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, HTX đã xây dựng trang web giới thiệu sản phẩm chăn nuôi; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook, liên kết với Công ty cổ phần thực phẩm Giang Tuấn Vũ, xã Đông Tảo (Khoái Châu) để tiêu thụ sản phẩm. Anh Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát cho biết: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi con lợn được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát chặt chẽ, không hao phí. Đối với lợn thịt, lợn giống thương phẩm đến kỳ xuất bán, đơn vị liên kết tiêu thụ hoặc thương lái chỉ cần xem qua hệ thống camera, thống nhất giá, lợn sẽ được đưa ra giết mổ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ theo vòng tròn khép kín. Việc xây dựng Fanpage giới thiệu sản phẩm và hoạt động trên mạng xã hội góp phần giúp HTX mở ra cơ hội hợp tác với nhiều đơn vị chế biến thực phẩm.
Đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, kinh nghiệm sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm gắn với chuyển đổi số. Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi, hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi số đem lại là người dân chủ động kiểm tra thông tin đàn vật nuôi được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Khâu giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa, doanh nghiệp thu mua, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét tem truy xuất nguồn gốc, mọi thông tin về sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chất lượng vật nuôi tại nhiều trang trại, HTX trên địa bàn tỉnh được nâng lên, giá trị sản phẩm cao hơn so với trước. Hiện nay, toàn tỉnh có 166 ha chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP, tương ứng với trên 2,6 triệu con gia súc, gia cầm, tạo tiền đề đưa sản phẩm chăn nuôi của HTX, người dân lên sàn thương mại điện tử; một số sản phẩm chăn nuôi đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Ruốc, xúc xích, giò lụa gà Đông Tảo, giò xào gà Đông Tảo…
Xác định rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, OCOP… Năm 2021, Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm cây có múi và các sản phẩm OCOP của tỉnh theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu tại nhiều thị trường tiềm năng như: Thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng; quảng bá nông sản của tỉnh trên gian hàng trực tuyến 2D và 3D. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1 nghìn tài khoản bán hàng online của người dân được tạo lập. Các nhóm sản phẩm được kết nối, giới thiệu tiêu thụ rộng trên sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (postmart. vn), sàn thương mại điện tử của Công ty Bưu chính Viettel (voso. vn), Shopee như: Nhãn quả tươi, mật ong long nhãn, khô gà, khô heo, giò lụa... Không chỉ vậy, tham gia sàn thương mại điện tử, các hộ sản xuất còn được hỗ trợ đăng ký, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cũng cung cấp các thông tin hữu ích như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, giúp người dân chủ động sản xuất, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Trung tâm VH&TT huyện

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
29 người đang online