Kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn

Khoái Châu: Kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn

Thực hiện các văn bản chỉ đạo Công văn số 635/UBND-KT2 ngày 22/3/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn và để quản lý tốt công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan một số nhiệm vụ sau:
1. Về quản lý kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn
- Đối với vùng dịch (xã, thị trấn nơi có ổ dịch):
+ Tạm dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các xã vùng có dịch ra khỏi địa bàn trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh DTLCP được tiêu hủy trên địa bàn.
+ Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã tham gia chương trình giám sát, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính các bệnh (bao gồm cả bệnh DTLCP), lợn không có triệu chứng của bệnh DTCP trong vòng 30 ngày trước thời điểm vận chuyển, được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.
 - Đối với các xã, thị trấn không nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm: Thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn theo quy định tại  Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nhiệp và PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
2. Về quản lý việc giết mổ lợn
- Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP tại các điểm trung chuyển, thu gom, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm lợn.
- Rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc  không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; tăng cường nhân lực cho việc kiểm soát giết mổ để bảo đảm động vật được đưa vào giết mổ đều khỏe mạnh. UBND các xã, thị trấn Lập danh sách tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn theo mẫu đính kèm về UBND huyện (qua phòng NN&PTNT) trước ngày 26/3/2019.
- Yêu cầu xử lý triệt để các chất thải, nước thải trong quá trình giết mổ để tránh làm phát tán vi rút DTLCP ra môi trường và lây lan sang các cơ sở chăn nuôi lợn.
- Đối với vùng dịch: Cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP trong vùng có dịch. Thịt và sản phẩm từ thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng có dịch bệnh theo cấp địa phương đã công bố. Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, bảo đảm vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sau mỗi ca giết mổ.
- Đối với các địa phương không nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm: thực hiện việc giết mổ lợn theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nhiệp và PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y
3. Về lấy mẫu xét nghiệm và xử lý lợn mắc bệnh
- Đối với hộ/trại (quy mô nhỏ lẻ) chỉ cần lấy mẫu của 3-5 con lợn/hộ để xét nghiệm bệnh DTLCP (đối với hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn có dưới 3 con lợn thì lấy mẫu của toàn bộ số lợn); tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh có kết quả dương tính với vi rút DTLCP.
- Đối với các hộ/trại khác trong cùng địa phương cấp thôn có dịch bệnh, tiêu hủy toàn đàn có lợn biểu hiện triệu trứng lâm sàng của bệnh DTLCP hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định; không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm xác định vi rút DTLCP.
- Đối với trang trại quy mô lớn, nhiều ô chuồng, dãy chuồng: xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn trong ô chuồng có lợn bệnh; tiếp tục theo dõi, giám sát các ô chuồng khác, nếu có lợn biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP, thực hiện ngay việc tiêu hủy mà không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm; các ô chuồng không có lợn bệnh, có thể tiếp tục nuôi hoặc giết mổ tiêu hủy tại chỗ.
- Việc xử lý, chôn lấp lợn phải bảo đảm yêu cầu tiêu diệt được vi rút DTLCP; đối với trường hợp chôn sâu, phải bảo đảm hố chôn độ sâu ít nhất từ 3m trở lên; đối với các địa phương không thể đào hố chôn sâu, cần phải bảo đảm đắp đất, đá, cát cao, không để phát tán lợn và các chất thải ra môi trường xung quanh.
4. Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
- Chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 241 và Điều 317 của Bộ Luật hình sự.
Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm các nội dung trên./.
UB huyện

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
75 người đang online