Lúa xuân trên đồng ruộng Khoái Châu

Vụ đông xuân 2010-2011, huyện Khoái Châu có kế hoạch gieo cấy khoảng 3.700ha diện tích lúa xuân, phấn đấu đạt năng suất bình quân 65tạ/ha, trong đó 100% diện tích được huyện chỉ đạo gieo cấy bằng giống lúa ngắn ngày theo phương thức gieo mạ trên đất cứng.

Nét mới trong vụ lúa xuân năm nay là huyện đã chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích lúa lai lên 40-45% diện tích gồm các giống Syn6, thục Hưng 6, Dương Quang 18 đồng thời khảo nghiệm và nhân rộng các giống gồm: Bio404, Thái Xuyên 111, Nhị Ưu 69 để tạo bước đột phá về năng suất chất lượng. Các giống lúa đặc sản, chất lượng gạo ngon như: tẻ thơm, bắc thơm, nếp các loại được huyện cơ cấu 20-25% diện tích.

Để khắc phục khó khăn về thời tiết và chủ động bảo vệ cho sản xuất vụ đông xuân năm 2010- 2011 tiếp tục giành thắng lợi, ngay từ đầu vụ, các địa phương đã tổ chức tốt các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân, đặc biệt hướng dẫn bà con chăm sóc mạ đúng kỹ thuật khi trời rét đậm, đồng thời điều hành tốt việc lấy nước đổ ải theo đúng lịch điều tiết nước của các công ty thuỷ nông; tập trung nhân lực làm đất, bón vôi khử chua cho những chân ruộng trũng, be bờ giữ nước chuẩn bị sẵn sàng khi mạ đến tuổi và thực hiện gieo cấy đúng khung thời vụ. Huyện đã chỉ đạo các địa phương ngoài việc thực hiện đúng khung lịch thời vụ, bà con nông dân cần khẩn trương gieo cấy ngay khi mạ đến tuổi và điều kiện thời tiết thuận lợi; phấn đấu gieo cấy hết diện tích. Đối với các vùng đất khó khăn về nước tưới huyện cũng đã sớm có kế hoạch chủ động chuyển sang trồng các cây màu vụ xuân như: ngô lai, lạc, đậu tương…kiên quyết không để đất trống. Nhiều năm nay, Khoái Châu luôn được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện khá tốt khung lịch thời vụ và hướng dẫn cơ cấu trà vụ theo sự chỉ đạo của tỉnh và của ngành nông nghiệp và PTNT. Đến thời điểm này tất cả các xã, thị trấn của huyện Khoái Châu đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa xuân đồng thời chuyển trọng tâm sang giai đoạn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa mới cấy, bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, trỗ bông trong khung thời vụ cho phép.

 

 

Trong vụ xuân này, xã Thuần Hưng đã gieo trồng được diện tích lúa trên 700mẫu, đạt 100% kế hoạch, trong đó lúa lai chiếm 60% diện tích với giống chủ lực là Syn6, HYT100, Khang dân18… 100% diện tích lúa của xã đều được cấy bằng mạ sân hoặc gieo thẳng, gieo sạ nên đã cơ bản hoàn thành từ ngày 25.2. Đặc biệt trong vụ này, được sự giúp đỡ của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) xã đã được hỗ trợ tham gia mô hình trình diễn giống lúa PHB71 với diện tích trên 12ha. Hiện hầu hết diện tích lúa của xã đều sinh trưởng và phát triển tốt. Thời điểm này, lúa đang ở giai đoạn bén rễ hồi xanh và chuẩn bị đẻ nhánh rộ. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân tích cực thăm đồng để sớm phát hiện sâu bệnh kịp thời phòng trừ, chăm sóc tỉa dặm, làm cỏ sục bùn và bón phân, điều tiết nước đảm bảo cho cây lúa đẻ nhánh và phát triển. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Cao Toản, chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuần Hưng cho biết: Xác định chăm sóc bảo vệ lúa là yếu tố quyết định để đảm bảo cho vụ đông xuân giành thắng lợi nên ngay sau khi cấy xong, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã tuyên truyền vận động và hướng dẫn nhân dân chăm bón, làm cỏ, bảo đảm bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, điều tiết nước hợp lý giữa các vùng, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng dịch hại và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng nồng độ và đúng thời điểm.

Có mặt trên cánh đồng thôn 2, xã Thuần Hưng đúng vào thời điểm nông dân trong thôn ra đồng nhận phân đạm hỗ trợ của Tổng công ty dầu khí và hoá chất để bón cho lúa, chị Đào Thị Minh bộc bạch: vụ xuân này nhà tôi cấy 7 sào, được sự hỗ trợ và giúp đỡ của xã, huyện, Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học và Công nghệ, gia đình tham gia cấy 2 sào giống lúa PHB71. Đây là giống lúa mới, được triển khai trên địa bàn xã, vì vậy, ngay sau khi cấy lúa, gia đình tôi đã tập trung chăm sóc, khi làm đất bón phân chuồng và xử lý đất đúng qui trình. Tuân thủ đầy đủ qui trình bón lót, thúc để cây lúa phát triển đúng thời vụ và bảo đảm năng suất khi thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Lý, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đối phó với tình hình sâu bệnh, trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, UBND huyện Khoái Châu đã chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phối hợp với trạm BVTV huyện và các xã làm tốt công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn, hướng dẫn cho bà con cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, đặt các bẫy đèn để theo dõi sự xuất hiện của đối tượng sâu hại như sâu cuốn lá, bọ xít, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng. Đây là tác nhân truyền virus gây bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen để có biện pháp ngăn chặn và phòng trừ kịp thời. Mở các lớp hướng dẫn cho bà con nông dân cách sử dụng thuốc BVTV đúng loại, đúng cách, bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Trong điều kiện thời tiết âm u, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh có thể phát sinh gây hại. Trước tình hình đó, các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Khoái Châu, nhất là trạm bảo vệ thực vật huyện đã tập trung tuyên truyền, khuyến cáo cho bà con nông dân vừa đẩy mạnh bón thúc sớm kết hợp với tỉa dặm, làm cỏ sục bùn, đặc biệt thường xuyên kiểm tra thăm đồng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh phát sinh trên đồng ruộng, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Khắc phục mọi khó khăn, chủ động mọi yêu cầu cho sản xuất là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm cho sản xuất thắng lợi. Với những gì đã và đang thực hiện cùng với yếu tố thuận lợi của thời tiết, tin rằng Khoái Châu sẽ lại có một vụ mùa bội thu.

baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
272 người đang online