Nét đẹp văn hóa của con người vùng đất Khoái Châu

Khoái Châu là vùng đất cổ, được hình thành từ rất sớm. Vào thời trước Hùng Vương, phù sa sông Hồng đã bồi tụ lên vùng đất này, nhưng chỉ có một số gò đống nổi lên giữa một vùng ngập nước.

  Người việt cổ đã đến cư trú, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và khai hoang, thau chua, rửa mặn, bắt đầu gieo cấy lúa nước. Việc phát hiện ra trống đồng Đông Sơn ở Cửu Cao, Liên Nghĩa huyện Văn Giang , giáp Khoái Châu chứng tỏ vùng đất này thời đó đã có dân cư, có chung nền văn hóa Đông Sơn. 

Từ thủa các Vua Hùng dựng nước, vùng đất Khoái Châu đã được  khai mở và cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, nơi đây đã trải qua nhiều sự thay đổi về địa giới hành chính với nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên dẫu ở thời kỳ nào, người dân Khoái Châu cũng luôn phát huy bản chất cần cù, sáng tạo, chung sức đồng lòng chế ngự thiên nhiên, bám làng giữ đất, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Sau nhiều lần chia tách, sát nhập đến ngày 1/9/1999, thực hiện Nghị định số 60/CP ngày 24/7/1999 của Chính phủ về việc điều hành địa giới hành chính, huyện Khoái Châu chính thức được tái lập có 25 đơn vị hành chính trực thuộc (24 xã, 1 Thị trấn). 

  Nhưng dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, trải qua những biến cố thời gian, song vùng đất Khoái Châu vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời gắn liền với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên và cả nước nói chung.

  

  Khoái Châu nằm ở trung tâm vùng văn minh sông Hồng, nên còn được biết đến qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: Hệ thống quần thể các di tích, kiến trúc cổ, các truyền thuyết đậm chữ tình, các sản phẩm trên chất liệu dân gian đậm bản sắc... cho thấy nơi đây đã có sự ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Kinh Bắc xưa. Đây cũng là nơi nổi tiếng với thiên tình sử đầy thơ mộng của Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một trong những nguyên mẫu được người dân Việt Nam tôn là Tứ Bất Tử.

   

Đồng thời người dân Khoái Châu vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, chỉ tính từ năm 1075 đến 1919 Khoái Châu có 23 người đỗ đại khoa, tiêu biểu như: Nguyễn Kỳ quê ở xã Tân Dân đỗ trạng Nguyên khoa Tân Sửu Hiệu Quảng Hòa 1 ( 1541). Ngày nay nhiều người con của Khoái Châu đã trở thành kỹ sư, bác sỹ, nhiều người là nhà khao học, nhà báo, nhà văn, là sỹ quan cao cấp trong quân đội, là cán bộ chủ chốt của các cơ quan của Bộ, Trung Ương... luôn tâm huyết góp sức mình cùng cán bộ và nhân dân Khoái Châu xây dựng quê hương đất nước.

  

    Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ và nhân dân huyện Khoái Châu đã góp sức người, sức của cho tiền tuyến, hàng vạn thanh niên lên đường tòng quân cứu nước, hàng ngàn người con của Khoái Châu đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tổ quốc.

    Đảng bộ và nhân dân Khoái Châu cùng 9 xã, Thị trấn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

    Khoái Châu còn được biết đến qua những quần thể di tích văn hóa, là nơi nổi tiếng với thiên tình sử đầy thơ mộng của Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

 

    Tiềm năng du lịch của Khoái Châu khá phong phú cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Toàn huyện có 27 di tích lịch sử được xếp hạng quốc qia, trong đó đáng chú ý nhất là quần thể Đền Đa Hòa - Bình Minh, Đền Hóa - Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung nằm trong tuyến du lịch chính trên sông Hồng (Hà Nội - Phố Hiến). Đền Dạ Trạch gắn với các địa danh lịch sử oai hùng của Triệu Quang Phục chống giặc nhà Lương. Khoái Châu có nhiều địa danh nổi tiếng như: Hàm Tử, Tây Kết nơi diễn ra các trận thắng trong kháng chiến chống quân Nguyên của thời nhà Trần; Bãi Sậy gắn với khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật; quần thể khu di tích đình chùa Bối Khê có đình thờ danh tướng Nguyễn Mục; Sài Thị thuộc thôn Sài Thị - xã Thuần Hưng là nơi thành lập chi bộ đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Đặc biệt nói đến Khoái Châu không thể không nhắc đến Đầm Dạ Trạch - nơi đã từng gắn với tên tuổi của Triệu Việt Vương trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập cho nước Vạn Xuân...

 

    Thời kỳ đổi mới, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Khoái Châu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo được sự khởi sắc mới theo hướng công nghiệp - hóa hiện đại hóa. Là huyện đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên bờ tả ngạn sông Hồng, Khoái Châu có địa hình khá phức tạp, cao thấp xen kẽ nhau. Vùng ngoài bãi có địa hình bán lòng chảo dốc dần từ dải cao ven bối xuống vùng trũng ven đê. Vùng nội đồng có hướng dốc từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông.

  

    Nằm trong hệ thống sông Hồng nên đồng ruộng ở đây có nguồn nước phù xa bồi đắp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và dân sinh của huyện, với những lợi thế của một vùng " địa lợi, nhân hòa", những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khoái Châu đã không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

  

    Thời gian tới mục tiêu phấn đấu của Khoái Châu là phát triển vững chắc công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làm động lực cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác, đồng thời thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

UBND

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
208 người đang online