Phát triển cơ sở hạ tầng – xã hội trên địa bàn huyện

Mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông nói chung khá hợp lý, đường giao thông được đầu tư nâng cấp ...

         Mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông nói chung khá hợp lý, đường giao thông được đầu tư nâng cấp khá tốt, đồng bộ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành, hoàn thành nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ. Đã xây dựng được hơn gần 200 km đường giao thông nông thôn, giao thông đường bộ nhìn chung khá dày đặc hợp lý phủ khắp địa bàn huyện được phân theo các cấp quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường xã, thôn tạo thành mạng lưới giao thông thống nhất phục vụ lưu thông trong huyện với các huyện trong và ngoài tỉnh.
Tồn tại lớn nhất của mạng lưới giao thông là chất lượng chưa được tốt, việc phát triển mạnh giao thông của huyện, tỉnh đã phần nào gây tác động lớn với đất đai. Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, huyện đã quy hoạch mở rộng, nâng cấp các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý cũng như để dành quỹ đất hợp lý phục vụ cho nhu cầu phát triển giao thông trong những năm tới.
1. Hệ thống Giao thông:
       Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay trên địa bàn huyện đã có một hệ thống giao thông vận tải tương đối hợp lý, gồm 2 loại: đường bộ và đường sông. Trong đó:
- Đường bộ dài 983,7 km (bao gồm Quốc lộ 39: 7km; đường tỉnh lộ 65,6 km, đường huyện 34,9 km; đường giao thông nông thôn 876,2 km). Mật độ đường bộ đạt 0,82 km/km2 (của tỉnh Hưng Yên đạt 0,67 km/km2, cả nước đạt 0,22 km/km2). Chỉ tiêu số km/1000 dân là 0,58 km/1000 dân (của tỉnh là 0,56 km/1000 dân; cả nước là 0,81 km/1000 dân).
- Đường sông dài gần 29,3 km (Bao gồm sông Hồng dài 23 km, sông Điện Biên dài 4,2 km, sông Cửu Yên dài 2,1 km). Mật độ đường sông đạt 0,22 km/km2 (của tỉnh là 0,29 km/km2).
       Hệ thống đường giao thông trên địa bàn gồm có các tuyến sau:
+ Hệ thống giao thông đường bộ: Có trục dọc Bắc - Nam, có quốc lộ 39, đường tỉnh 377, đường tỉnh 377B, trục ngang có đường tỉnh 382, 383, 384, đường tỉnh 378, đường tỉnh 379. Các trục này ngoài vai trò là tuyến xương sống của hệ thống giao thông trong huyện, còn có vai trò giao thông đối ngoại với các huyện và tỉnh, thành phố lân cận. Ngoài các trục chính trên còn có 8 tuyến đường huyện: Đường huyện 50, đường huyện 51, đường huyện 205D, đường huyện 209, đường huyện 209B, đường huyện 209C, đường huyện 52, đường huyện 53 đến ĐH. 59 cùng với hệ thống đường giao thông nông thôn (bao gồm đường liên xã, trục xã, đường thôn xóm và ra đồng ruộng) đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông hàng hoá đi lại của nhân dân.
Nhìn chung hệ thống đường quốc lộ, tỉnh, huyện, xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng nâng cấp một số tuyến đạt chất lượng tốt phần nào đã đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên ở một số tuyến đường xuống cấp do mật độ phương tiện giao thông hoạt động lớn, tình trạng chất lượng đường xấu, một số đường liên xã, thôn còn đường đá cộn, đường đất lầy lội về mùa mưa. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2018 để đáp ứng được quy mô phát triển kinh tế xã hội của huyện. Cụ thể một số tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã, thôn, đường sản xuất cần có quy hoạch nâng cấp và mở rộng ở một số tuyến trên địa điểm cho phù hợp.
+ Hệ thống vận tải đường sông: Trên địa bàn có sông Hồng chảy qua (Từ Bắc Ninh đến Nhuế Dương) dài 23 km, sông Cửu Yên (Từ đập Giàn đến Kim Động) gặp sông Điện Biên, chiều dài qua xã Thuần Hưng, Thành Công dài 2,1 km, sông Điện Biên (Từ Lực Điền đến cầu An Tảo thị xã Hưng Yên) chạy qua xã Dân Tiến, Đồng Tiến, Hồng Tiến, Việt Hoà dài 4,2 km. Riêng tuyến sông Hồng có 8 bến đò ngang sang Hà Tây, với 12 đò trọng tải chở 440 người. Trong thời gian tới cần bố trí quỹ đất để quy hoạch bến bãi để tận dụng khả năng khai thác tiềm năng.
2. Thuỷ lợi
Hệ thống thuỷ lợi nội đồng khá hoàn chỉnh, đáp ứng có hiệu quả nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công ty khai thác công trình thuỷ nông quản lý 14 trạm bơm với tổng số 57 máy, công suất từ 1000 - 2500 m2/h, cống Xuân Quan qua Báo Đáp cấp nước vào các sông Cửu Yên, sông Điện Biên v.v... thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải nối với các trung tâm thuỷ nông và một hệ thống kênh mương từ cấp 1 đến cấp 4.
Hệ thống tưới tiêu của tỉnh đã được kiểm nghiệm thông qua quản lý khai thác nhiều năm, thể hiện tính hợp lý trong việc cung cấp và chuyển nước ra khỏi hệ thống.
Hệ thống công trình thuỷ lợi của huyện cơ bản đảm bảo cấp nước tưới kịp thời cho toàn bộ diện tích đất canh tác (trừ diện tích bãi ngoài đê); cơ bản đã giải quyết được úng vụ mùa trong điều kiện thời tiết không quá phức tạp. Đáp ứng yêu cầu sinh trưởng và chuyển đổi cây trồng, cải tạo đất. Tuy nhiên còn những tồn tại cần phải khắc phục đó là: Việc tưới cho đất bãi và tiêu cho đất trũng là 250 ha trên địa bàn các xã còn khó khăn.
Tổng diện tích đất thuỷ lợi là 1.061,99 ha, chiếm 8,11% so với tổng diện tích tự nhiên.
Hệ thống thuỷ lợi của huyện qua các năm qua đã đóng góp to lớn, có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên hệ thống thuỷ lợi đã xuống cấp, nhỏ bé không đáp ứng nhu cầu cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn hiện nay cần phải được nâng cấp và xây dựng hiện đại hơn.
3. Quản lý tài nguyên - môi trường
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án được quan tâm hơn, đã GPMB bàn giao mặt bằng cho 36 dự án, với tổng diện tích là 48,34 ha; 16 xã, thị trấnthu hồi đất, GPMB, làm hạ tầng kỹ thuật, tổ chức đấu giá QSDĐ với diện tích 24,44 ha. Việc cấp GCNQSDĐ tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kết quả Chi nhánh VPĐKĐĐđã tiếp nhận, hoàn thiện, trình kỳ 531 Giấy chứng nhận; xử lý 82 trường hợp đất dôi dư,diện tích xử lý: 4.970,2m2, thu tiền 5.597.407.075đ. Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn đã được triển khai hiệu quả đến toàn bộ 25 xã, thị trấn, với 13.145 hộ, đạt tỷ lệ 23% số hộ toàn huyện; 156 tổ vệ sinh môi trường, trên 400 lao động thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển rác thải ngay tại các thôn, xóm; năm 2018 đã vận chuyển được trên 19.248,7 tấn rác đi xử lý.
4. Sản xuất Công nghiệp, TTCN, XD và Thương mại - Dịch vụ:
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ tiếp tục có bước chuyển biến tích cực.
- Về CN-TTCN: Ngành công nghiệp ước đạt 2.668 tỷ đồng, tăng 12,84 %, trong đó giá trị công nghiệp tập trung ước đạt 1.598 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Tân Dân bắt đầu đã được Tổng công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) tiến hành làm qui hoạch và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong năm 2018 huyện đã đồng ý tiếp nhận thêm 11 dự án sản xuất, kinh doanh xin đầu tư vào huyện. Các dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, các xã có dự án vào đầu tư phối hợp với chủ đầu tư triển khai các bước theo đúng quy định của pháp luật, tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Các nghề sản xuất TTCN trong nhân phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ cơ bản phát triển ổn định, tạo được nhiều việc làm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Trong những năm qua huyện đã quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề, nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, tạo sức cạnh tranh, huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học tiến bộ, công nghệ mới vào sản xuất tuy nhiên các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ phát triển chậm.
- Thương mại, dịch vụ: Ngành thương mại - dịch vụ của huyện vẫn phát triển khá ổn định, ước đạt 4.603 tỷ đồng, tăng 12,54%. Lợi thế của các chợ, điểm dịch vụ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được khai thác hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước các chợ từng bước được củng cố chặt chẽ, được giao thầu góp phần giảm chi và tăng thu ngân sách địa phương. Ngân hàng NN&PTNT đã tích cực đa dạng hoá các hình thức huy động vốn với nhiều mức lãi xuất hấp dẫn và mở rộng các dịch vụ khác ngoài tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế và nhân dân, Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đảm bảo đúng đối tượng, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập. Các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn và các loại hình tín dụng hoạt động ổn định đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân.
Khu chợ và hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở thương mại Dân Tiến đã cơ bản hoàn thành, hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu bàn giao. Công tác PCCC, vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo. Không diễn ra tình trạng biến động về nguồn hàng, giá cả, đầu cơ nâng giá nhất là các mặt hàng vật tư, phân bón và hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thuốc chữa bệnh,… kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra nhãn mác hàng hoá, xuất xứ và chất lượng hàng hoá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không xảy ra vụ cháy, ngộ độc thực phẩm nào.
-  Xây dựng cơ bản: UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện các danh mục dự án, công trình đã được HĐND huyện thông qua, đảm bảo đúng trình tự quản lý và đầu tư xây dựng cơ bản, tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng cường giám sát, quản lý chất lượng công trình. Các công trình, dự án triển khai phù hợp với quy hoạch, trình tự về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí, đảm bảo đầu tư cân đối trên các lĩnh vực góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội.
UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Chương trình phát triển đô thị huyện Khoái Châu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Tân Dân; phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 sân golf sông Hồng có quy mô khoảng 102,2ha thuộc địa phận các xã: Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử; phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu biệt thự sinh thái sông Hồng, diện tích khoảng 30 ha thuộc địa phận xã Bình Minh đang triển khai lấy ý kiến nhân dân địa phương thực hiện các bước tiếp theo của dự án; phối hợp Sở xây dựng lập quy hoạch phân khu 1/2000 hai bên đường ĐH.57,...tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
5. Hoạt động tài chính, tiền tệ:
Đến hết tháng 10/2018 thu ngân sách trên địa bàn 240 tỷ đồng, đạt 102% so với dự toán được giao; ước thực hiện chi 348 tỷ 828 triệu, đạt 75,76% so với dự toán. Các Ngân hàng NN&PTNT, Chính sách xã hội cho vay đúng đối tượng, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập. Hiện tại 12/13 Quỹ duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả, chấp hành tốt các quy định của nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh tiếp tục phải gia hạn chịu sự giám sát của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên. Các loại hình tín dụng khác đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các tầng lớp nhân dân.
6. Văn hoá, thể thao và du lịch
Trọng tâm các hoạt động năm 2018 là các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và lễ hội truyền thống ở nhiều địa phương. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền được tổ chức dưới nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý lễ hội được quan tâm, phát huy tính tích cực của lễ hội dân gian và phù hợp với truyền thống văn hóa, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật là hát ca trù, trống quân trên địa bàn huyện; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những lễ hội có vi phạm, không đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Có 03 làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa lần đầu năm 2018 và 18 làng văn hóa được công nhận lại sau 03 năm, giai đoạn (2015-2018). Đến nay toàn huyện đã có 101/104 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa (tính theo số làng xây dựng quy ước) đạt tỷ lệ 97,1%;25 cơ quan, đơn vị đăng ký đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa lần đầu cấp tỉnh giai đoạn (2018 – 2022). Năm 2018, Đình An Dân xã Tân Dân được công nhận di tích cấp tỉnh, nâng số di tích được công nhận trên địa bàn lên 49 (26 di tích cấp Quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh), trên tổng số 256 di tích.
Phong trào thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi khắp các địa phương với nhiều hoạt động phong phú, tổ chức tốt thi đấu các môn thể thao truyền thống, triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2018. Tham gia các môn thi đấu tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hưng Yên lần thứ VIII đạt 36 huy chương, trong đó 8 HCV, 13 HCB và 15 HCĐ.
Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn thực hiện 3.500 tin, bài, chuyên mục tuyên truyền ngày 03 lần để phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Mạng lưới Bưu chính, viễn thông, Internet và hạ tầng kỹ thuật viễn thông ngày càng phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng. Đến nay toàn huyện có 87 cột thu phát sóng, 75 trạm BTS, với 213.136 thuê bao. Bưu điện huyện cung cấp và phục vụ tốt các dịch vụ bư­u chính, chuyển phát hồ sơ Bảo hiểm xã hội thu Bảo hiểm Y tế tự nguyện, chi trả bảo trợ xã hội,...phục vụ kịp thời các hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
7. Sự nghiệp Giáo dục và đào tạo:
Các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội tạo cơ hội, khám phá, nghiên cứu khoa học ở tất cả các khối lớp và vận dụng kiến thức vào thực tế. Trong năm học 2018-2019 có 23/24 trường Tiểu học, 25/25 trường THCS, 01 trường liên cấp TH-THCS dạy theo mô hình trường học mới. Khoái Châu đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi; chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; chuẩn xóa mù chữ mức độ 2,...100% các trường đổi mới phương pháp, dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tích cực triển khai các hoạt động về nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THCS, dạy học liên môn. Các trường THCS phối hợp với các trường nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng các hoạt động giáo dục góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp đạt hiệu quả định hướng, giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, năm 2018 toàn huyện có 1021/1699 học sinh đỗ vào các trường chuyên nghiệp đạt 60,1%; tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THCS đạt 92%; tỷ lệ tốt nghiệp bậc Trung học cơ sở đạt 99.8%; tốt nghiệp THPT đạt 99.1%,...Cơ sở vật chất được tăng cường, ba năm qua toàn huyện xây dựng được trên 110 phòng học, công trình phụ trợ với tổng kinh phí khoảng 108 tỷ đồng. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được chú trọng, đến nay có 42 trường đạt chuẩn Quốc gia tăng 07 trường so với năm 2015, tăng 02 trường so với cùng kỳ 2017. Công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Ngành giáo dục & Đào tạo huyện giữ vững đơn vị xuất sắc, đi đầu trong phong trào giáo dục & đào tạo của tỉnh.
8. Chăm sóc sức khỏe nhân dân  – nhân đạo từ thiện:
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm, từng bước thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân; chủ động các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết... đến nay không có dịch xảy ra trên địa bàn. Các chương trình MTQG về y tế được tổ chức thực hiện tích cực, bảo đảm tiến độ; Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được đặc biệt quan tâm theo sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh tạo sự chuyển biến đáng kể của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trên địa bàn huyện có 990 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, trong đó: Sản xuất chế biến: 617 cơ sở; kinh doanh thực phẩm: 224 cơ sở; dịch vụ ăn uống 149 cơ sở. Phòng Y tế đã phối hợp với Quản lý thị trường, Công an và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán, Mùa Lễ hội năm 2018, Tháng hành động, mùa thi cử và Tết Trung thu được 65 cơ sở. Chỉ đạo các xã tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở hành nghề y dược tư nhân năm 2018,hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số: 252 cơ sở; trong đó hành nghề y 70; YHCT: 36 ; Dược: 146, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra 2 đợt/ năm, tổng số cơ sở được kiểm tra: 45 cơ sở, qua công tác kiểm tra cho thấy đa số cơ sở hành nghề y, dược tư nhân chấp hành tốt các quy định về hành nghề có đủ giấy phép hành nghề; Số cơ sở vi phạm: 6 cơ sở, Trong đó yêu cầu tạm dừng hoạt động: 02 cơ sở.
Tổ chức thường xuyên các chiến dịch truyền thông cung cấp kiến thức kiểm soát biến động dân cư, kế hoạch hóa gia đình, giới tính khi sinh, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn cao, ở mức 18,1%, tỷ số giới tính khi sinh 119 nam trên 100 nữ (năm 2017 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 18,1% và 127 nam/100 nữ).
Hội Chữ thập đỏ huyện vận động 622 triệu đồng (cấp huyện đạt 240,9 triệu đồng); hỗ trợ cho 728 lượt đối tượng xã hội, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá: 300,9 triệu đồng (cấp cơ sở hỗ trợ 830 lượt đối tượng tổng trị giá 249 triệu đồng). Quỹ Da cam vận động được toàn huyện là: 989.064.655đ đạt 152% so với kế hoạch tỉnh giao; hỗ trợ cho 959 lượt đối tượng, với tổng trị giá 935,2 triệu đồng. Năm 2018 tổ chức 02 đợt hiến máu tình nguyện được 1.038 đơn vị máu, đạt 220% so với kế hoạch tỉnh giao.
9. Lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội
Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi và đối tượng xã hội để đảm bảo mọi người dân được đón Tết đầm ấm, vui tươi, có 8.000 xuất quà được trao tặng gia đình chính sách. Thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 12 nghìn đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chi trả trợ cấp mai táng phí và trợ cấp một lần cho 297 đối tượng, số tiền: 3.802.758.000đ; Cấp thẻ BHYT cho đối tượng người có công và thân nhân người có công: 13.949 đối tượng cấp trả thẻ BHYT kịp thời cho 5.303 đối tượng hộ nghèo, 4.791 đối tượng hộ cận nghèo, 21.323 đối tượng hưởng trợ cấp.
Hoàn thành giai đoạn một của Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở cho 797 gia đình (xây mới 54, sửa chữa 743) và đang tiếp tục triển khai công tác này ở giai đoạn 2. Hiện nay trên toàn huyện còn 907 hộ đề nghị hỗ trợ nhà ở, trong đó có 364 hộ đề nghị xây mới, 503 hộ đề nghị sửa chữa.Hoàn thành giải ngân 96 trường hợp hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà ở (46 nhà xây mới, 50 nhà sửa chữa), số tiền: 3.850.000.000đ (từ nguồn quỹ vì người nghèo các cấp: 1.850.000.000đ, nguồn hỗ trợ cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội 02 tỷ đồng). Đang triển khai hỗ trợ 17 trường hợp hộ nghèo (trong đó hỗ trợ 8 trường hợp xây mới, 9 trường hợp sửa chữa), trên toàn huyện còn 347 hộ đề nghị hỗ trợ nhà ở trong thời gian tới.
Văn phòng

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
100 người đang online