Truyền thuyết cá mòi
Bắt đầu từ tháng giêng, cá mòi xuất hiện trên sông Hồng và việc đánh bắt của người dân thôn Hồng Châu, xã Tân Châu nơi đây kéo dài đến tháng 5. Những con cá mòi từ cửa biển ngược sông sông Hồng, qua Thành Phố Hưng Yên, huyện Kim Động rồi đến Khoái Châu chờ ngày đẻ trứng rồi lại quay ra biển. Đến hẹn lại nên, cứ thế đến tháng giêng năm sau cá mòi lại quay lại sông.
Liên quan đến cá mòi có một truyền thuyết thú vị. Theo những người già kể lại, cá mòi là hóa kiếp của chim ngói. Trong bụng cá mòi có mề cá giống y chang mề chim ngói. Hằng năm, khi tiết trời bắt đầu sang thu dịu mát, từng đàn chim ngói bắt đầu bay về biển, chao mình giữa biển cả rồi biến thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau cá mòi lại từ biển chạy ngược về sông Yên. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, cá mòi có “mỹ tự" là "thời ngư", được gắn liền với câu tục ngữ "thời ngư nhục mỹ hiềm đa cốt", có nghĩa là cá mòi thịt ngon nhưng lắm xương. Có lẽ, cái tên “thời ngư" bắt nguồn từ việc mỗi năm, cá mòi chỉ về khúc sông này một độ, đó là từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng năm âm lịch. Cá mòi vốn là thứ cá nước lợ, cùng loài với cá trích, thường sống ở các vùng cửa sông, cửa biển. Cá mòi được nhiều vùng coi là thứ “của để dành” để mỗi mùa xuân người ta lại "gặt hái". Đó cũng là lộc trời cho cư dân các vùng cửa biển sông, cửa bể...
Mùa xuân là mùa của yêu đương, mùa con cá tìm đến nhau để tự tình vì thế dù xuất hiện từ tháng giêng đến tháng 5 nhưng khoảng thời gian tháng giêng, tháng hai là cá mòi xuất hiện nhiều nhất.
Mùa xuân con cá cái mang trứng và đến thì phát dục nên phải vượt nguồn nước chảy mới đẻ. Con đực không muốn rời xa “bạn tình” nên cũng đi theo và cũng là để bảo vệ nòi giống của mình. Đây cũng là dịp để người dân nơi đây được thưởng thức món được sản từ cá mòi.
Một huyền thoại khác, mà chỉ ở Hưng Yên mới có. Chuyện kể rằng, mỗi năm, cá mòi thường về vùng cửa sông với cái tên Phố Hiến lừng danh một thuở vào mùa này bởi đó là dịp lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Cá mòi tự về hiến mình tiến cống "ông tổ nghề chài lưới" là Chử Đồng Tử. Mỗi năm, vào dịp lễ hội, dân quanh vùng bắt những con to nhất, ngon nhất dâng lên Đức Thánh sau đó mới "thừa lộc thánh" mà đem bán hoặc ăn. Theo khảo tử một nhà nghiên cứu thuộc viện văn hóa dân gian, tục này có ở các xã thuộc huyện Khoái Châu, Văn Giang, nhưng đậm chất nhất, dư ảnh vẫn còn đến bây giờ là ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức (bây giờ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), quê hương đức thánh Chử. Chử Xá vốn là cái bến sông, và Cậu bé ở bến sông (Chử Đồng Tử) thủa hàn vi đã từng theo cha đi đánh cá ở bến sông này. Chính vì thế, ông được tôn là ông tổ của nghề ngư phủ. Ngoài việc dâng cúng cá tươi, dân làng Chử Xá còn dâng một hũ mắm cá mòi ngon nhất để cúng thánh trong ngày hội “để an ủi bà Hữu (Tây Sa), vốn là cô thợ cấy thường hay bắt tôm cá mỗi khi đi làm đồng”!!!.
Đặc sản của người dân quê
Cả xã Tân Châu chỉ có thôn Hồng Châu còn giữ nghề chài lưới với khoảng chiếc vài chục thúng câu, cứ khoảng 1 - 2 giờ chiều, những chiếc thúng câu này và những ông chủ của nó lại xuôi dòng thả lưới. Chiều chiều ra bờ sông nhìn xuống những chiếc thúng câu xuôi ngược trên dòng sông, ven sông cùng với buổi chiều hoàng hôn và những bãi ngô xanh mướt trông thật thơ mộng. Cứ chiều chiều những người bà, người chị, người vợ lại mang sảo ra bến sông để lấy cá mang về chợ “quán” để bán (chợ quán tên gọi của người dân địa phương). Chúng tôi là dân xã dưới muốn ăn cá mòi thì chỉ cần trực tiếp ra bờ sông gặp các thuyền đánh bắt về là có thể mua luôn nên cá còn tươi, giá lại rẻ nữa và còn được ngắm cảnh sông Hồng.
Cá mòi có thể chế biến theo nhiều cách nhưng cách nào nghe cũng cảm thấy ngon và hấp dẫn cả: nào là rán, nào là nướng than hoa chấm nước mắm tiêu, ớt hoặc tương gừng, nào là băm viên nấu su hào hoặc chuối tây xanh ăn với rau húng rũi….. Người dân ở hai xã Đông Ninh và Tân Châu cũng như các xã lận cận rất “nghiện” món cá mòi này. Anh Hoàng Văn Pho “thổ địa” ở xã Tân Châu rất sành về chế biến cá mòi. “Cá mòi béo và ngon ở đầu mùa vì lúc này cá chưa đẻ trứng, mới lội ngược dòng nên đang còn sung sức. Ngon nhất là vẫn là món cá nướng than hoa và món cá băm viên nấu su hào hoặc chuối tây xanh,” anh Pho cho biết.
Vào mùa này về Khoái Châu những người con quê hương và thực khách có thể dễ dàng tìm được những con cá mòi tươi ngon ở một số chợ như chợ “chiều” tại trung tâm Thị trấn Khoái Châu, nhưng muốn có món cá mòi ngon thì phải ra tận chợ “quán” tại xã Tân Châu. Cá mòi sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay chứ không giữ lâu được như các loại cá khác. Tuy nhiên khi chọn mua cũng cần chú ý xem mắt cá có trong và đen không, cá có bị ướp lạnh không, vạch mang cá còn đỏ và tươi là được. Hiện nay cá mòi rất đắt hàng, giá khoảng từ 120.000 - 150.000 nghìn đồng/kg.
Với những người dân ở ven sông Hồng thuộc hai xã Đông Ninh và Tân Châu và các xã ven sông Hồng, bắt cá mòi không chỉ là nguồn tăng thu nhập mà còn là đặc sản và là thú vui của người dân nơi đây.