Giải pháp chuyển đổi số phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Hưng Yên thời gian tới

Giải pháp chuyển đổi số phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Hưng Yên thời gian tới

Để đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), Chuyển đổi số (CĐS) toàn diện trên tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ cán bộ các cấp chính quyền, địa phương và Nhân dân về CĐS. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và tỉnh Hưng Yên về CĐS đến toàn thể cấp ủy, chính quyền, người dân và DN về sự cấp thiết phải CĐS; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh. Thường xuyên tiến hành công tác tập huấn cơ bản về CĐS, các khóa đào tạo để nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng số cho các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến xã, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị. Tăng cường tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất – kinh doanh, kinh doanh dịch vụ và người dân hiểu, từ đó tích cực ứng dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh, và nâng cao chất lượng đời sống.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình CĐS của tỉnh. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý đổi mới những mối quan hệ phát sinh. Xây dựng và ban hành các quy định về tính pháp lý của dữ liệu số, quy định số hóa dữ liệu trong đó chú trọng đến quy định danh mục các dữ liệu cơ quan nhà nước phải số hóa theo lộ trình; đồng thời chuẩn hóa nghiệp vụ trên nền tảng công nghệ để khai thác, vận hành có hiệu quả các dữ liệu được số hóa. Ban hành các quy định ưu tiên DN địa phương thực hiện CĐS, để đồng hành cùng chính quyền trong công cuộc CĐS, huy động nguồn lực DN. Đồng thời, thúc đẩy phát triển chất lượng DN CNTT trên địa bàn tỉnh; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư kỹ thuật hạ tầng CNTT, viễn thông, đầu tư khu CNTT tập trung của tỉnh; thúc đẩy phát triển phổ cập CNTT, số hóa cho DN, hỗ trợ về kiến thức và quy trình, cung cấp các giải pháp số cho DN…
Ba là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số cho phát triển các ngành kinh tế nói chung và KTDV nói riêng. Tích cực phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng, như: thí điểm và nhân rộng việc xây dựng và sử dụng mạng 5G cùng với lộ trình thôi sử dụng mạng 2G, 3G tại tỉnh; bảo đảm phủ sóng 4G 100% tại mọi địa điểm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chuyển đổi toàn bộ hệ thống ứng dụng CNTT của tỉnh sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); xây dựng mạng lưới băng thông rộng, chất lượng cao kết nối 100% khối cơ quan nhà nước, các khu công nghiệp, các hoạt động KTDV trong tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện kỹ thuật hạ tầng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh. Phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, môi trường, năng lượng, điện, nước… để chuyển đổi thành hạ tầng số. Tất cả dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu của tỉnh có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối internet vạn vật (IoT), tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số.
Đẩy mạnh xây dựng kho dữ liệu dùng chung. Thực hiện tích hợp cơ sở dữ liệu về các DN như đăng ký kinh doanh, dữ liệu thuế, xuất nhập khẩu, thông tin sản phẩm, khách hàng; đẩy mạnh xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lõi (blockchain) trên các nền tảng giáo dục và đổi mới sáng tạo nhất là trong các lĩnh vực, giáo dục đào tạo, y tế, thương mại điện tử, thanh toán điện tử…
Bốn là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình CĐS. Trước hết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao về ứng dụng CNTT và CĐS. Xây dựng và triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học – công nghệ, nhất là CNTT và CĐS. Có chính sách và chiến lược đào tạo, phát triển kỹ năng số cho cán bộ, công chức, lãnh đạo các cơ quan nhà nước; tổ chức các khóa đào tạo, phổ biến tri thức, kinh nghiệm về CĐS cho DN đào tạo kỹ năng cho người lao động hoạt động trong các khu vực kinh tế đặc biệt là trong các ngành dịch vụ. Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, như: Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; các trường phổ thông… đổi mới, cập nhật các chương trình giáo dục, đào tạo các ngành CNTT, điện tử, tự động hóa, điện tử viễn thông… chú trọng đào tạo chuyên sâu các công nghệ nổi bật, có tính ứng dụng cao của CMCN 4.0, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo, khai thác dữ liệu; đổi mới cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường học để hình thành thói quen số, văn hóa số… làm cơ sở cho xây dựng nguồn nhân lực CĐS của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng dụng khoa học – công nghệ vào phát triển KTDV, đặc biệt trong: quản lý hành chính công, ngành thương mại dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, logictics… nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên nền tảng IoT… Tiếp tục thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế trong phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế số, hỗ trợ các DN xây dựng và phát triển nền tảng số. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng trong quá trình CĐS.

Thanh Nhàn

Trung tâm VH&TT huyện