Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024 với 10 điểm mới đáng chú ý

Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024 với 10 điểm mới đáng chú ý

Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 26/2023/QH15). Luật được ban hành đã đáp ứng được những mục tiêu đặt ra trong quá trình xây dựng và khi có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, cũng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vị phạm pháp luật.
Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024 với 10 điểm mới đáng chú ý sau:
  1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3).
  2. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46):
Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
3. Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46):
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.
4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18):
Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.
5. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19)::
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23):
Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
7. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Namchưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30):
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên.
Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33):
Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID).
9. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
10. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23):
Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên.