Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu

Thực hiện Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Tuyên truyền, quán triệt và thực hiện các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu; Những nội dung của Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Những chỉ đạo của Huyện uỷ tại Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 01/12/2016.

Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu.

Tạo được bước chuyển biến cơ bản trong quản lý đất đai, khai thác và sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả, bền vững.

2. Yêu cầu:

Các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu phải được triển khai sâu rộng và tiến hành thường xuyên, liên tục có hiệu quả tại cơ sở. Tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu với việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động tạo môi trường lành mạnh, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong quá trình thực hiện, phải có sự phối hợp đồng bộ và có hiệu quả với các ngành, đoàn thể liên quan.

Bảo vệ môi trường phải tập trung vào công tác phòng ngừa kết hợp cải thiện chất lượng môi trường nhằm xây dựng Khoái Châu trở thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường tiến tới phát triển bền vững.

Bảo đảm sự tham gia thực hiện đồng bộ, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các hành động bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐẾN 2020; ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025:

1. Về bảo vệ môi trường:

Phấn đấu các dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt 100%;

Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường hiện hành, tỉ lệ đạt 100%;

Các khu đấu giá đất giãn dân mới phải xây dựng hệ thống thoát nước thải theo đúng quyết định phê duyệt, đạt tỉ lệ 100%.

Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, kết hợp với cải thiện chất lượng môi trường, không để phát sinh mới và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%.

Kiểm soát ô nhiễm không khí, đảm bảo 100% đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh khí thải xử lý đạt quy chuẩn môi trường hiện hành; thường xuyên tiến hành quan trắc, phân tích môi trường theo đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký.

100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; trên 80% chất thải rắn nông thôn và 95% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý; xử lý tiêu huỷ trên 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt; trên 95% dân cư đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất không nguy hại đạt 100%.

Các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt 90%.

Giảm ô nhiễm môi trường tại các tuyến sông, mương, máng; phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn huyện không còn các tuyến sông, mương, máng bị ô nhiễm nặng và không để phát sinh thêm các tuyến sông, mương, máng ô nhiễm mới.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chất lượng và số lượng, đảm bảo 100% người dân trên toàn địa bàn có kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, có hành động bảo vệ môi trường trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

2. Về phòng chống biến đổi khí hậu:

Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở đô thị, khu vực đông dân cư; cải thiện chất lượng môi trường làng nghề, khu vực nông thôn.

Trên 80% số xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới; 100% trường học, trạm y tế xã có nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý, sử dụng tốt; 100% các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án có tính đến các tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; 100% dân số hiểu biết, có kiến thức về phòng chống lụt bão,ứng phó, thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu.

Các xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, có hệ thống thông tin liên lạc và tạo lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý phòng, chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, có lực lượng tình nguyện viên để hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong việc phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

3. Định hướng đến năm 2025:

Không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới; không còn điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giảm hầu hết các nguồn gây ô nhiễm môi trường; duy trì 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường; trên 90% số xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới; tăng cường khả năng chủ động phòng chống  biến đổi khí hậu, giảm nhẹ mức độ gia tăng phát thải khí nhà kính, từng bước hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Về bảo vệ môi trường:

1.1. Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường:

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường chung trên toàn địa bàn huyện; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích người dân có thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các phương tiện truyền thông.

Tăng cường kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên và môi trường, nhất là về lĩnh vực quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý tài nguyên và môi trường.

Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm tài nguyên và môi trường từ cấp cơ sở đến cấp huyện.

Xây dựng cơ chế và khuyến khích người dân tham gia giám sát việc quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả của cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, đảm bảo các dự án đầu tư xây dựng đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngay từ khi lập, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án; kiên quyết chỉ xem xét đồng ý cho chuyển nhượng, thuê đất khi các khu dân cư, khu đô thị mới và các khu, cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Tập trung, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp, làng nghề theo hướng thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và carbon thấp; ưu tiên bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tập trung.

Phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học(đặc biệt với khu công nghệ cao của Trường Đại học Bách Khoa cơ sở 2) nhằm giới thiệu các công nghệ sản xuất tiên tiến, các công nghệ sạch tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường đến doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp giúp cải thiện chất lượng môi trường nước mặt tại các tuyến sông, mương trên địa bàn.

Khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu phát thải CO2 và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới như: xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nhất là tại các cụm, khu công nghiệp đang xây dựng hoặc đã quy hoạch, các cơ sở sản xuất tập trung trong khu dân cư, các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao như tái chế phế liệu (nhựa, kim loại, vỏ bao xi măng…), dệt nhuộm, giặt quần áo công nghiệp, chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất hóa chất, phân bón….

Tăng cường và kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp không nguy hại, rác thải nguy hại và rác thải y tế đối với chủ nguồn thải và các đơn vị hành nghề thu gom, xử lý chất thải đặc biệt chất thải công nghiệp nguy hại.

Công khai thông tin các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên website điện tử của huyện, trên hệ thống thông tin của Đài truyền thanh.

Kiểm soát chặt chẽ quá trình thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về Công ty URENCO 11 để xử lý.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả, nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

1.2. Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe nhân dân:

Tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải, khí thải lớn, mức độ ô nhiễm cao; xử lý nghiêm và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đặc biệt là các ngành nghề tái chế phế liệu, sản xuất phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu, các ngành nghề chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc -gia cầm, chăn nuôi....

Chú trọng cải thiện chất lượng không khí (nhất là bụi, tiếng ồn); tăng cường đầu tư mảng xanh từ hộ cá nhân đến nơi công cộng, đầu tư không gian vui chơi, giải trí trong các khu dân cư tập trung; cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp thải rác không đúng quy định; các đơn vị thu gom rác không đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.

Thực hiện khai thông, nạo vét các tuyến sông, mương bị ô nhiễm.

1.3.  Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:

Tiếp tục tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn hệ sinh thái đất ngập nước (ao, hồ, đầm,…)trên địa bàn huyệntheo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hạn chế việc xây dựng các khu dân cư, các dự án trên những vùng đất ngập nước còn lại của các địa phương, có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm đối với diện tích đất ngập nước hiện có.

2. Về phòng chống biến đổi khí hậu:

2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của nhân dân về ứng phó biến đổi khí hậu:

Phòng NN&PTNT tiếp tục là cơ quan đầu mối đảm trách công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan đến phòng chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Tổ chức phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho mọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo; xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư; hình thành các mô hình tự quản về môi trường.

Bên cạnh công tác tuyên truyền phải áp dụng mạnh các biện pháp chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

2.2. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu:

Xác định những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu cùng với những ảnh hưởng tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến hạ tầng kỹ thuật, những khu vực dễ bị ngập úng và khó tiêu thoát nước do biến đổi khí hậu.

Đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến bối nhằm chống ngập; đầu tư nạo vét, khai thông các tuyến kênh, mương trên địa bàn; xây dựng mới các công trình cấp nước sạch cho các khu vực có nguồn nước khan hiếm.

Tạo hệ sinh thái cây xanh ven bờ tại các khu vực ven kênh, mương nhằm chống sạt lở; tăng diện tích thoát nước tự nhiên, bảo vệ diện tích đất ngập nước còn lại tại các địa phương, tăng cường trồng cây xanh tại các tuyến đường và các khu dân cư trên địa bàn huyện.

Lập quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp và giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch khu dân cư, trung tâm hành chính, thương mại, trường học, bệnh viện theo hướng xanh thân thiện với môi trường.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nghiên cứu, phục vụ các đề án về ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là đội ngũ trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường.

2.3. Thực hiện các giải pháp giảm nhẹ thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu:

Thường xuyên cập nhật dữ liệu về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu nhằm phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Lồng ghép các nội dung, hoạt động phòng chống biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhằm tăng tính bền vững cho các quy hoạch, kế hoạch.

Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng sông, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi gây ách tắc dòng chảy trên địa bàn; thực hiện nạo vét kết hợp với giải tỏa các khu dân cư tự phát dọc các tuyến sông, kênh,mương trên địa bàn.

Ưu tiên triển khai các dự án về nâng cấp, củng cố hệ thống thủy lợi, bờ kè ven sông, bơm xả nước, cống xả; cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bảo đảm phòng chống biến đổi khí hậuđối với tình trạng mực nước dâng gây ngập úng tại các khu vực trũng, dễ ảnh hưởng nặng nề đến cây trồng và đời sống nhân dân.

Trang bị kiến thức, nâng cao khả năng phòng chống biến đổi khí hậu cho người dân sinh sống tại các khu vực ven sông.

Phát triển hạ tầng y tế, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phát huy vai trò trách nhiệm và huy động mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu.

3. Kinh phí thực hiện:

Hàng năm, Phòng TN&MT có trách nhiệm lập dự toán kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường, Phòng NN&PTNT có trách nhiệm lập dự toán kinh phí dành cho công tác phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. UBND các xã, thị trấn:

Tổ chức quán triệt Kế hoạchcủa UBND huyện; Xây dựng Kế hoạch thực hiện của địa phương mình. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng và hàng năm; sơ kết rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch thực hiện cho năm tiếp theo…

Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch đã đề ra.

2. Đề nghị các đơn vị liên quan:

Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai thực hiện và phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thực hiện. Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với phòng NN&PTNT tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6 và 30/12 hàng năm để báo cáo UBND tỉnh...

 

NT

Phòng Tài nguyên & Môi trường