Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Khoái Châu

Thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 14/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Khoái Châu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khoái Châu, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước các cấp về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa.

2. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa huyện như du lịch tâm linh, đẩy mạnh phát triển các di sản văn hóa phi vật thể như hát trống quân, hát ca trù nhằm từng bước nâng cao vai trò các ngành công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội xây dựng thị trường vă hóa lành mạnh phát triển hiện đại.

3. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của huyện theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; phù hợp Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu chung

a) Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Khoái Châu, phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần bảo tồn , phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác.

b) Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa về cả chất và lượng dần dần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm; tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong huyện.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng, gồm: Làng nghề truyền thống; du lịch văn hóa;

- Phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bằng những phương thức quảng bá hiện đại; đưa di sản ca trù, trống quân, các di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia của huyện trở thành những nguồn du lịch nhân văn;

- Phát triển đa dạng, hiện đại, đồng bộ các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm truyền thống của tỉnh như long nhãn, thuốc bắc, cây cảnh...có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế;

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa trong hoạt động các ngành công nghiệp văn hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa từ huyện đến cơ sở.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên các phương tiện truyền thông, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, làm cho toàn xã hội tích cực tham gia xây dựng và phát triển văn hóa.

b) Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý thị trường. Tăng cường công tác thanh tra nhà nước về công nghiệp văn hóa; đổi mới, nâng cao năng lực hướng dẫn, tổ chức kiểm tra hoạt động công nghiệp văn hóa.

c) Thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sáng tạo, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực văn hóa.

d) Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy trao đổi, bồi dưỡng đào tạo kiến thức, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý để xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ và quản lý chuyên nghiệp.

e) Phát triển thị trường: Thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức nhằm hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong tỉnh cũng như của huyện.

g) Thường xuyên, định kỳ đánh giá hoạt động công nghiệp văn hóa; thực hiện công tác sơ kết; công tác thi đua, khen thưởng trong việc triển khai phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho các dự án, công trình, phát triền sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.

2. Ngân sách Nhà nước cấp huyện tùy theo khả năng cân đối trong từng thời kỳ tham gia hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa của huyện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Văn hóa và Thông tin

Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tham mưu UBND huyện trình HĐND huyện ban hành các cơ chế, chính sách đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện, xây dựng, ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể từng ngành, nghề công nghiệp văn hóa hàng năm, giai đoạn.

b) Tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trong đó chú trọng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa cho người dân, hội thảo khoa học, tọa đàm giới thiệu về tiềm năng văn hóa, di sản văn hóa đặc sắc của huyện, tuyên truyền, quảng bá về Khoái Châu trong lĩnh vực văn hóa; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt quan tâm vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

c) Tổ chức hoặc phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ kinh doanh, quản lý các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định.

d) Theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Tham mưu UBND huyện phân bổ ngân sách địa phương, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia theo từng năm, giai đoạn để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch.

3. Phòng Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho việc xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương theo mục tiêu của Kế hoạch; hướng dẫn các thủ tục chuyển nhượng, thuê đất, bố trí đất theo quy định để phục vụ các hoạt động công nghiệp văn hóa.

4. Phòng Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và thực hiện kế hoạch chương trình ngoại khóa dạy nhạc, họa cho các trường phổ thông; tổ chức các hình thức thích hợp để học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Phối hợp với phụ huynh theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng sở trường, năng khiếu để định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm.

5. Phòng Kinh tế - Hạ tầng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của Kế hoạch, có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa thuộc lĩnh vực quản lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao.

6. Các ban, ngành, đoàn thể

Có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.

7. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

a) Chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn.

b) Cân đối, đầu tư ngân sách hàng năm để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn theo Kế hoạch.

c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ tại các điểm du lịch di sản, du lịch tâm linh; khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch.

d) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm có di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.

(đã ký).

UBND huyện