Vài nét về Đền

  Đền Hậu thuộc thôn Đông Kết, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

  Đền thờ 2 vị Linh Lang Đại Vương và thần thành hoàng làng Nguyễn Siêu. Được xây dựng theo kiểu chữ Đinh từ thời Hậu Lê, tùng tu vào thời Nguyễn và đến năm 1991 được nhân dân địa phương trùng tu phần mái.

  Trải qua bao biến thiên của lịch sử đền Hậu vẫn giữ được vẻ cổ kính lâu đời mang dáng phong cách dân tộc. Cùng với một khối lượng hiện vật và đồ thờ, tiêu biểu là những di sản văn hóa vật chất in dấu công sức và bàn tay lao động của bao thế hệ các nghệ nhân, là mồ hôi, là tâm huyết của nhân dân hợp thành, là sự đóng góp sức người, sức của của những thành viên trong cộng đồng làng xã. 

 Ngày 18/2/2004, Bộ Trưởng Bộ văn hóa thông tin Phạm Quang Nghị đã ký quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Hậu xã Đông Kết.

 Theo thần phả Linh Lang Đại Vương có tên thật là Linh Lang, là con của Hùng Vương. Ngài là vị văn võ toàn tài, đem quân đi đánh khắp nơi đều giành được thắng lợi. Được phong tướng nhưng ngài không nhận mà đi tu ở Chùa Bảo Quan trong thành Đại La. Ngài theo học nhà sư Trực Năng và đã thành đạo. Hưởng thế 80 tuổi, an táng tại thành Bắc xã, xứ Đông Hải. Về sau được sắc phong là người tổng quản tất cả các dòng sông.

  Nguyễn Siêu là một trong thập nhị sứ quân, có tài lược hơn người được vua Ngô tin dùng thống lĩnh toàn bộ quân đội. Thừa lúc nhà Ngô suy yếu, tướng thần phân chia thành 12 xứ quân thu thập binh giới tùy phương khởi nghĩa. Nguyễn Siêu chiếm đất vùng Đông Phù Liệt, huyện Thanh Trì xưng hiệu là Nguyễn Hữu Công. Đinh Bộ Lĩnh khởi binh Nguyễn Siêu khởi lũy đánh bại nhưng bị thua trận. Ông một người, một ngựa lao xuống sông Bái Châu. Tương truyền sau khi chết xác ông trôi về địa phận xã Đông Kết, thi thể 3 tháng không nát, nước da vẫn tươi tắn như lúc còn sống, nhân dân địa phương phong cho là nhân thần nên đã lập đền thờ.

 Đền Hậu còn là nơi hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh, du kích vùng ven sông Hồng. Đặc biệt tại đây dân quân du kích địa phương đã tổ chức tập hợp dân chúng nổi dậy chống càn của Pháp vào vùng Đông Tảo Khoái Châu.

  Đền Hậu được xây dựng trên một thế đất khá rộng, ở trung tâm khu vực cư trú của thôn Đông Kết. Từ ngoài đường nhìn vào là cổng Nghi Môn khá bề thế theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái được trang trí các đề tài tứ linh, ở phần cổ diêm được tạo thành một ô hình chữ nhật, trong lòng có đắp nổi 4 chữ " Ân cung vạn tuế "; tại 8 đầu đao của 2 tầng được trang trí đầu rồng.

  Bước qua sân nhỏ vào là nhà đại bái gồm 3 gian chính và 2 gian trái theo kiểu tường hồi bít đốc. Phần hậu cung gồm 4 gian, phần ngoài là một gian chính dùng để thiêu hương. Phần thiêu hương và hậu cung được nối với nhau bằng hệ thống cửa bức bàn. Kết cấu bộ vì kiểu giá chiêng chạm khắc hoa văn thời Nguyễn, bài trí rộng, 2 đầu trạm thành 2 đầu rồng. Lưng ngai là một tấm ván cong được làm theo kiểu trung thu thượng hạ thách, được trang trí những con rồng. Bệ ngai theo kiểu chân quỳ, dạ cá chia thành các diềm trang trí khác nhau. Mỗi chân ngai là một đầu rồng được trạm nổi bong kênh với mũi sư tử nổi gò lên, miệng há rộng ngậm lấy viên ngọc Minh Châu. Như vậy có thể thấy đây là 2 cỗ ngai có giá trị đặc biệt, mang phong cách trang trí phổ biến của thế kỷ XVII mà đền Hậu còn giữ lại được.

  Nằm ở giữa 2 ngai thờ là đức Linh Lang được đặt trong một khám thờ lớn. Phía dưới khám thờ được đặt một nhang án, ở giữa có bát hương, 2 bên là 2 bình chóe thời Nguyễn.

  Trải qua các triều đại từ Hậu Lê đến thời Nguyễn, đền Hậu được phong 47 đạo sắc phong trong đó cho Linh Lang Đại Vươn là 14, cho Nguyễn Siêu là 33. Tất cả các vị thần này đều có công bảo vệ giúp dân, giúp nước. Tại di tích còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Ngoài ra đền còn lưu giữ lại một số hiện vật quý như: Kiệu Long Đình, kiệu Bát Cống, sập thờ, nhang án, hòm sắt, sắc phong, thần phả... và một số đồ thờ quý hiếm khác.

 

 

Văn hóa

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
55 người đang online