16/07/2011 | lượt xem: 3 Đền Chính Đa Hòa Tên gọi: Đền Chính, đền Đa Hòa, đền chính Đa Hòa, Đa Hòa chính từ, Đền Chử Đồng Tử. Đền chính Đa Hòa Có tên gọi như vậy vì đền nằm trên địa phận làng Đa Hòa. Gọi đền Chính, là cách nói ngắn gọn rút từ mấy chữ Đa Hòa Chính Từ như trong sắc phong, viết trên hoành phi, trên long vị cũng như trong văn tế "Đa Hòa Chính từ thượng đẳng tối linh thánh hoàng tam vị ". Cũng có người gọi thẳng đây là đền thờ Chử Đồng Tử. Trên một bức hoành treo ở giữa gian đại tế đền hiện nay có 4 chữ "Nhất Dạ Trạch từ " (Đền thờ thần Đầm - Một - Đêm). Đền Chính Đa Hòa (hiện nay) được xây dựng năm 1894. Căn cứ vào tấm bia đá dựng tại Trấn Giang Lâu trước cửa đền "Trùng tu Đa Hòa chính từ bi ký " thì đây chỉ là tu sửa lại một ngôi đền cũ. Vậy đền này có từ bao giờ? Có lớn lắm không? Tại sao đã có đền Dạ Trạch ngay đầu dốc Vĩnh (thôn Vĩnh mới từ Đa Hòa tách ra hơn 100 năm nay) lại còn xây thêm đền Đa Hòa này nữa? Ai cũng biết hàng năm, các triều vua đều cử quan đại thần về đền Hóa làm lễ dâng hương. Chỉ một số đền, đài có vinh dự này, gọi là tế quốc điển. Việc tế lễ đức thánh Chử thường tổ chức vào mùa xuân, tiết trời còn mưa rét. Các quan từ kinh thành Thăng Long xuống thuyền xuôi dòng sông Nhị, đến bến Đa Hòa thì lên bộ. Từ đây còn phải võng lọng quanh co, qua nhiều lối mòn, bãi lội, rừng sậy, phải lên thuyền nhỏ lướt trên mặt đầm mới vào tới đền Hóa. Cũng từ xa xưa, tại bến Đa Hòa nơi nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên bên kia sông Hồng, dân chài lưới lập một hành đài thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Các nhà buôn mỗi lần đi qua đây để lên Kẻ Chợ hoặc xuống Phố Hiến cất hàng, bán hàng đều dừng thuyền lên đền thờ vọng này thắp hương khấn cầu Chử Đồng Tử - Tiên Dung phù hộ. Và các quan, có năm không vào được đền Hóa, tổ chức lễ dâng hương ngay tại hành đài này. Ngôi đền nhỏ, cheo leo trên bờ sông dốc đứng nhưng ngày đêm rực rỡ hương đăng, tấp lập khách thập phương lễ bái. Chính trên cơ sở ngôi đền này, năm 1894, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở đã xuất thần nảy ra ý tưởng xây dựng hành đài trở thành một ngôi đền lớn, đền chính. Chu Mạnh Trinh khiêm tốn khắc vào bia đá rằng đây chỉ là một sự tiếp nối, trùng tu, thực ra, ông đã thiết kế chỉ huy xây dựng một ngôi đền hoàn toàn mới, lớn và đẹp hơn hẳn đền cũ, với ý đồ táo bạo nhằm biến nơi này thành một thắng cảnh, di tích lịch sử đồng thời là một nơi mở hội rước, thỏa mãn nhu cầu văn hóa dân gian. Ở đền Chính Đa Hòa hiện còn giữ lại đôi câu đối cổ, chữ đã mòn, mờ, lạc khoản ghi rõ "Mễ Sở hương, thái úy Trần Ngô Lương bái tiến " và " Mễ Sở hương đội trưởng Trần Dư bái tiến ". Trần Ngô Lương làn quan thái úy dưới triều Trần Dụ Tông có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ, là thành hoàng làng Nhạn Tháp, tổng Mễ Sở. Trần Dư người làng Phú Thị, cùng Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội. Thành thất thủ, ông tuất tiết, không chịu để quân Pháp bắt. Về hình thức, hai đôi câu đối này chỉ cao khoảng hai thước ta (80cm) chứng tỏ hành đài khi xưa chỉ là một cái đền thấp nhỏ. Khác hẳn so với hôm nay, đền Chính Đa Hòa, trên cổng ngọ môn nổi bật những chữ vàng "Bồng lai cung khuyết " (Nhìn từ ngoài vào) và "Cận thủy lâu đài " (nhìn từ trong ra ) ! Đền Chính Đa Hòa xây theo hướng chính Tây, trên một bãi đất bằng phẳng hình chữ nhật, rộng 18.720 mét vuông. Các công trình kiến chúc chia làm ba khu vực: khu ngoài, khu giữa và khu trong. Khu ngoài: Rộng 7.200 mét vuông, khoáng đạt, không có tường rào bao quanh. Kiến trúc chủ yếu của khu ngoài là nhà bia. Đây là một cái lầu, cửa trổ ra tất cả bốn hướng, hai tầng, tám mái, mang những thông số dịch học. Nhà bia dựng ngay trên kè đá sát mép bờ sông dốc cao, chống lại những đợt lũ sói mòn cho đến khi bị sạt lở. Kè đá là trấn giang biên. Còn nhà bia, cửa tây nhìn thẳng ra mặt sông tự tay Chu Mạnh Trinh viết ba chữ đại tự Trấn Giang Lâu. Nhưng sở dĩ người thường nôm na gọi nhà bia vì chính tại lầu Trấn Giang này, có dựng bia đá trùng tu đền Đa Hòa nhưng là một áng văn tuyệt tác ghi lại cuộc nhân duyên kỳ ngộ trên cát cỏ của Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Nhà bia quanh năm lộng gió. Đứng trên nhà bia, phóng tầm mắt nhìn nước sông Hồng cuồn cuộn chảy bên dưới và xa kia, bãi cát tự nhiên phẳng lỳ, lơ thơ vài khóm lau. Trời đất đã chọn nơi này cho tình yêu, hạnh phúc con người nảy sinh, nguyên thể, hoàn toàn. Từ nhà bia, một con đường lát gạch rộng 6m dẫn thẳng vào trong đền, hai bên là hai hàng cây thiêng, loại cây gạo thân trắng bạc, mọc vút cao. Đặc biệt vào ngày 10/2 âm, ngày đền mở hội, cây trút sạch lá, nở đầy cành những bông hoa rực lửa như hai hàng đèn treo ngang trời, như những mâm lễ vật dâng tiến. Những cây gạo này đều có tuổi thọ ngang tuổi ngôi đền. Chỉ nhìn hoa gạo nở, mọi người biết tin vui báo hiệu xuân về, báo hiệu cho những chàng trai con cháu nhà Chử, những Thạch Sanh, những cô Tấm và cả những nàng Thị Mầu khao khát yêu đương hãy mau mau sửa soạn về dự lễ hội Đền Tình Yêu. Khu giữa: Rộng 3.400 mét vuông. Khu giữa và khu trong có tường thấp bao quanh gợi nhớ dãy tường thành lũy của một thời quá khứ. Khu giữa được mở ra từ cổng đền là hai cột trụ cao, xây thẳng vút, trên mỗi đỉnh cột là một con nghê ngoảnh mặt vào lối đi, ngày đêm canh gác ngôi đền. Dọc hai cột trụ là hai câu đối có ý nghĩa như câu mở đầu một bài Đường Thi, như lời giới thiệu trước khi du khách bước vào thế giới tâm tưởng: "Phượng giá hồng sơn kim đỉnh đan thành phong vũ dạ Hạc quy hoa biểu ngọc tuyết linh bí thủy vân gia". Lược dịch: "Phượng tới non hồng, nơi luyện thuốc tiên trong đêm mưa gió Hạc về cõi tiên, tuyết ngọc rực rỡ nơi nhà nước mây". Từ cổng đền, con đường gạch mở rộng 8m, chia khu giữa thành hai khu nhỏ với những tán đa - cũng một loại cây thiêng, bất tử - những vòm nhãn xanh thẫm, giống cây đặc sản của Hưng Yên. Và trong vòm nhãn xanh đậm, ẩn hiện bên phải: lầu chuông, bên trái: gác khánh. Chuông đền Chính đúc bằng đồng, cao 1.5m. Khánh bằng đá, chiều nganh 1.2m. Lầu chuông, gác khánh đều xây một kiểu giống nhà bia, nhấn đậm lần nữa tư duy triết học Dịch. Một năm chỉ có vài lần chuông, khánh đền Chính ngân nga. Nghe trống tế giục giã, nghe chuông, khánh dập dìu, trai gái hai bờ sông Hồng đổ về dự hội đền, xem rước. Ngày hội tan, các cụ già chống gậy lên đê ngồi nghe chuông khánh đền Chính vang vọng tiễn Thánh về trời. Khu trong: Đây mới là khu trung tâm, là kiến trúc đặc sắc chủ yếu của thắng cảnh Đa Hòa. Mở đầu là Ngọ Môn cao, rộng, gồm ba gian, ba cửa. Cửa chính chỉ mở trong những ngày đại lễ. Cổng Ngọ môn treo bức đại tự bốn chữ lớn sơn son thiếp vàng "Bồng lai cung khuyết ". Bước qua Ngọ môn là bước vào thế giới của tâm tưởng, của Tiên, của Đạo. Toàn bộ cung điện thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung bao gồm 18 nóc đền tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Các nóc đều hình con thuyền, mũi cong, chia từng khoang đều đặn. Từ dưới sông nhìn lên, từ trên đê nhìn xuống đều thấy các mái đền nối tiếp nhau như một đoàn thuyền đang nhấp nhô ẩn hiện. Đoàn thuyền của nàng Tiên Dung 18 tuổi trôi về đây hay đã dừng chèo cắm sào nơi này vì công chúa vừa lên bờ đang từng bước đi trên cát tự nhiên, dạo mở cái giây phút thiêng liêng đất trời âm dương hòa hợp giao hoan. Qua sân Đại là nhà Đại tế, tiếp đến sân Chầu, tòa Thiên Hương bấy giờ mới tới cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam và Hậu Cung. Nối liền các nóc là thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo... đối diện nhau qua sân Đại, sân Chầu. Đây là kiến trúc kiểu cung đình thời nhà Nguyễn, thế kỷ 19, lại biểu hiện rất rõ sự dung hợp hài hào giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, đậm đà màu sắc dân tộc Việt Nam. Nét độc đáo của khu đền là tòa Thiên Hương (hương trời). Một lần nữa tác giả công trình nhấn đậm tiết lý Dịch học với tám mái cong, hai tầng, tám cột gỗ vuông đỡ ở bốn góc. Các đấu kê xà ngang, xà dài được đẽo gọt hình "con vác" mặt rồng, mình sư tử. Còn các búp sen đều nghiêng xuống như Trời đang ban hương xuống cho chúng sinh. Tòa Thiên Hương treo bức đại tự ba chữ lớn, sơn son thiếp vàng: Giao Quang Các (nơi ánh sáng hội tụ). Một đôi câu đối, chỉ với 36 từ nhắc lại mối nhân duyên kỳ ngộ ngàn năm trước của Chử Đồng Tử - Tiên Dung: "Hóa cảnh thị hà miên, tự nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên ". Dịch nghĩa: "Cánh đẹp hóa bên sông, bãi cát thành châu ngọc, một đêm thành đầm nước Duyên kỳ ngộ ngàn năm trước, cõi trần gian là vợ chồng, trên trời cao là thần tiên ". Trong cung Đệ Nhị, Đệ Tam có nhiều bức hoành, bức trâm, câu đối lời, ý văn hoa hàm súc, khẳng định vị trí thần thánh của Chử Đồng Tử - Tiên Dung: "Nam Hải dị nhân ", "Hộ quốc an dân ", "Danh cao thiên cổ "... Ở đây có bàn thờ thân phụ, thân mẫu Chử Đồng Tử, ban thờ Công Đồng, hai dãy ban thờ hướng vào chính diện trên để 8 bát nhang thờ thành hoàng 8 xã của tổng Mễ Sở xưa. Ngày hội, các xã rước kiệu thành hoàng làng mình về đây, làm lễ thánh. Trong 8 xã, xếp theo thứ tự Mế Sở là anh cả, Đa Hòa là chạ trưởng, Hoàng Trạch là em út, các xã xếp theo thứ tự là Nhạn Tháp, Phú Thị, Bằng Nha, Thiết Trụ, Phú Trạch. Hiện nay đền Chính Đa Hòa lưu giữ nhiều hiện vật cổ: - Đôi lọ Bách. Gọi thế vì đây là hai chiếc lọ nghệ thuật gốm cổ, nhiều màu sắc, vân hoa nổi 100 chữ thọ (bách thọ) mỗi chữ một kiểu, một nét khác nhau. Đôi lọ gốm thời nhà Lý, rất tiếc, năm 1987 kẻ gian lấy trộm mất một chiếc. Bị truy lung gắt gao chúng phải đem giả, nhưng khi ông từ ra nhặt lên thì chỉ thấy nhiều mảnh vỡ trong chiếc bao đay. - Hai đôi câu đối cao chừng 80 cm, lạc khoản ghi "Mễ Sở hương, thái úy Trần Ngô Lương bái tiến " và " Mễ Sở hương đội trưởng Trần Dư bái tiến ". - Các ngai thờ, công trình điêu khắc gỗ thế kỷ 17, 18. - Văn bia, bút tích Chu Mạnh Trinh. - Tại ban thờ nhà thơ Chu Mạnh Trinh, công trình sư đền Đa Hòa, là thần hộ đền, có cây đàn thập lục sinh thời ông từng gảy. - Các kiệu bát cống, thất cống, khám, ngai, ỷ thờ... hạc đồng, đỉnh đồng... Chiếc vạc đồng rất lớn đặt trước tòa Thiên Hương, có hai rồng cuốn hai bên. Và đặc sắc nhất, trong hậu cung là tượng thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Nội Trạch Tây Cung. các pho tượng có độ cao, ngang bằng nhau, ngồi trên ngai sơn son thiếp vàng, trạm bong kênh rất tinh sảo. Ngồi giữa là Chử Đồng Tử, đầu đội mũ có chữ "vương" nét mặt thông minh, thuần phác. Hai bên là nhị vị phu nhân, đầu đội mũ nữ hoàng, khuôn mặt nhân hậu hiền thục. Điều đáng kể ở đây có những 6 pho tượng, đều là tượng đức thánh Chử và Nhị vị phu nhân, ba pho tượng bên trong bằng đồng. Vậy tại sao có những 6 pho tượng ? Theo nhân dân vùng này kể lại thì sự việc như sau: Thế kỷ 17 - 18 là những năm đất nước ta rối ren nhiễu nhương nhất. Nhân dân cả nước khổ vì Nam, Bắc phân tranh. Riêng ngoài Bắc Hà, chúa Trịnh ăn hiếp vua Lê, để mặc kiêu binh hoành hành. Rồi quân Tây Sơn kéo ra mấy lần. Tiếp đến loạn Cống Chỉnh. Nông dân nhiều nơi khởi nghĩa. Quân xâm lược Mãn Thanh ồ ạt kéo vào... Năm ấy Cống Chỉnh (Nguyễn Hữu Chỉnh đỗ hương cống nên thiên hạ gọi là Cống Chỉnh) tráo trở bỏ Thăng Long vào giúp anh em Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh. Đến khi diệt được họ Trịnh rồi, Cống Chỉnh lại phản nhà Tây Sơn, muốn lập cõi riêng nên bị Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra giết chết. Theo các cụ già tổng Mễ Sở kể lại thì để chuẩn bị chống quân Tây Sơn, Cống Chỉnh cho lính đi khắp nơi vét sạch các thứ đồ đồng trong đó có cả ba pho tượng đồng ở đền Đa Hòa về đúc súng. Vì ba pho tượng "rất thiêng" nên chúng thổi lửa ba ngày ba đêm đồng không chảy. Quân Cống Chỉnh sợ hãi bỏ chạy. Trong khi đó dân trong vùng lại tô ba pho tượng mới, đưa lên thờ. Khi vua Tây Sơn dẹp xong giặc Mãn Thanh, có sức cho các nơi biết làng nào có ba pho tượng đồng trôi dạt trên bãi cát sông Hồng ngoài thành Thăng Long thì lên nhận đem về. Nhiều nơi nhận tranh không được. Chỉ khi dân tổng Mễ lên thì các Ngài mới thuận cho rước về. Cũng truyện truyền miệng trong vùng Mễ Sở thì câu chuyện mất tượng kể tương tự trên đây nhưng thời gian xảy ra lại vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 này. Giặc Pháp lấy cớ dẹp nghĩa quân Bãi Sậy đã phá nhiều đền chùa và lấy đi những pho tượng quý trong đó có ba pho tượng đồng Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân. Do sự đấu tranh của nhân dân, chúng không mang đi được mà phải để lại ở Hà Nội và thông báo các nơi biết làng nào có tượng thì đem về. Tất nhiên các cụ bô lão nhiều làng lên nhận, nhưng chỉ có người ở 8 xã tổng Mễ nói đúng sự tích và đặc điểm nên rước được ba pho tượng xuống thuyền chở ngay về đền Đa Hòa. Trong khi ấy, để hương đèn đền Đa Hòa khỏi lạnh lẽo, dân xã đã cho tạc ba pho tượng mới, đặt lên ngai thờ. Có một làng nhất định cho rằng ba pho tượng đồng là của chính đền làng mình, nay bị Đa Hòa cậy thế mạnh người đông cướp mất, giữa hai làng, vì thế thù nhau mãi... Hiện nay cả 6 pho tượng đều đặt trong khám thờ ở Hậu Cung đền Đa Hòa, Năm 1968 máy bay giặc Mỹ ném bom phá hỏng 5 nóc đền, một quả rơi ngay phía sau Hậu Cung sạt mái ngói, rất may bom không nổ. Hội đền Chính Đa Hòa là một hội lớn, vô cùng phong phú, vui náo nhiệt là niềm tự hào chung, là biểu tượng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ cư dân cả vùng này. Hội đền Chính Đa Hòa là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp bao gồm: rước, các cuộc thi đấu văn hóa thể thao(đấu vật, chọi gà, bơi chải, cầu lông...), các sinh hoạt văn nghệ quần chúng (tuồng, chèo...), có năm tổ chức thi thơ. Đám rước thần từ sáng sớm, tại 8 ngôi đền ở 8 xã, nhân dân địa phương tập hợp, chuẩn bị rước thành hoàng xã mình đi dự hội đền chính Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Như vậy là có 8 đám rước từ các làng tiến ra, lên đường lớn, hợp với nhau. Mỗi đám rước có những nét chung và những đặc trưng riêng của thành hoàng làng. Tám đám rước từ tám ngả tiến ra. Các Thánh gặp nhau chiêng trống vang rền, pháo nổ giòn giã. Do đường xa nên kiệu rước đức Thánh anh cả, Thánh Mễ Sở phải đi nhanh. Lúc này gọi là kiệu bay. Nếu đám rước thành hoàng nào đi trước thì sẽ phải rạt ra một bên nhường đường cho các giai đồ kiêng kiệu thánh Mễ Sở vượt lên trước. Trước khung cảnh hào hùng, người xem hội đông hàng ngàn đứng hai bên bờ đường khi giạt ra, lúc xô vào chắp tay vái lạy, miệng khấn suỵt soạt. Tùy theo đặc điểm của mỗi vị thành hoàng mà đám rước có đặc trưng riêng. Thành hoàng Mễ Sở tục gọi thánh Pháo, vì vậy suốt dọc đường kiệu rước pháo đốt liên tục. Đám rước của thành hoàng lang Phú Thị có con rồng vàng cuộn khúc lượn theo. Thành hoàng làng Đa Hòa, Thiết Trụ, Nhạn Tháp... là các vị tướng nên đám rước có voi, ngựa tiền hô hậu ủng. Có đám rước có tới hai, ba phường bát âm. Có đám rước cho "con đĩ đánh bồng" vừa đi vừa múa bày trò cho thiên hạ xem. Hai "con đĩ " là hai thanh niên giả gái má phấn môi son, đầu chịt khăn mỏ quạ, yếm đào đôi vú xổng xểnh, thắt lưng xanh, áo dài vạt đỏ vạt vàng, váy thắm phô cái đít cong. Cả hai vừa nhảy múa vừa ưỡn ẹo hai tay gõ đập hai mặt chiếc trống tròn dài như cái gối, đeo trước bụng. Sau này đám rước có thêm sư tử, ông địa cũng là trò vui, trẻ con chạy theo reo hò ầm ĩ. Những ngày lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung các sới vật đông nghịt người xem, không ngớt tiếng trống "cắc, tùm", tiếng hò reo cổ vũ đấu sĩ. Cuộc đua chải cũng rất hấp dẫn. Sông Hồng tháng xuân nước lặng, mỗi xã một chải, mỗi chải có 10- 12 tay chèo dưới sự điều khiển của "ông cốc ". Cũng ở hội đền Đa Hòa còn tổ chức nhiều cuộc thi đấu võ, múa gậy và đánh gậy, thi chọi gà, vui nhất là thi đấu cờ tướng. Thi đấu Cờ tướng với quân cờ là những cô gái đẹp. Cả sân đền rộng biến thành bàn cờ. Quân cờ là những cô gái đẹp, đẹp nhất là hai vai tướng ông, tướng bà. Kỳ thủ các nơi về đây đọ tài cao thấp. Sau mỗi tiếng trống hiệu, các quân xe, pháo, mã, tốt xiêm y lộng lẫy, đi lại uyển chuyển. Người dự hội thỏa mãn vui cười. Văn hóa