Sự tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung

 Truyện kể rằng đời vua Hùng thứ 18, là vua Hùng Duệ Vương, sinh được một người con gái đẹp như tiên vì thế đặt tên là Tiên Dung. Nàng Tiên Dung chẳng những xinh đẹp mà còn nết na hiếu thảo. Năm Tiên Dung 16 tuổi nhiều Lạc Hầu, Lạc Tướng nhắm nhe muốn xin làm con rể vua Hùng; thái tử con vua nước phương Bắc, Hoàng đế nước láng giềng phía Nam cũng gửi lễ vật xin được ra mắt Tiên Dung.

 Chưa ai được nhận làm phò mã vì với tất thảy lời cầu xin Tiên Dung đều từ chối. Không phải nàng bắc bậc kiêu kỳ. Công chúa cúi đầu tâu với vua cha: Muôn tâu Phụ vương, con trộm nghĩ truyện trăm năm do trời đất sắp đặt, việc lúc nào đến sẽ đến, con đâu dám trái mệnh trời.

  Vua Hùng nghe hài lòng, không ép. Lại thể theo ý nguyện của Tiên Dung, nhà vua truyền cấp cho chiếc thuyền lớn để nàng đi du ngoạn khắp nơi. Đó là một chiếc du thuyền đầu phượng, đuôi én đóng toàn bằng những loại gỗ quý vân trắng có hai cánh buồm gấm trắng. Thị nữ trên thuyền, đều cùng tuổi Tiên Dung, đều là những thủy binh nhanh nhẹn. 18 người luôn bày những cuộc vui múa hát, thuyền đi tới đâu làm tưng bừng cả một vùng sông nước nơi đó. Có lần, công chúa mải chơi quá lâu, quá xa, nhà vua phải cho người gọi về.

  Công chúa khép nép quỳ lạy: Muôn tâu con chỉ muốn biết các thần dân của phụ vương sống ra sao, muốn xem bờ cõi phụ vương mở rộng tới đâu, núi sông tươi đẹp như thế nào.

  Vua Hùng đẹp lòng nhìn con gái. Tiên Dung đã 18 tuổi. Nhà vua nhớ lại cái đêm nằm mộng thấy mình bồng trên tay một bé gái có mây ngũ sắc vờn quanh. Đêm ấy hoàng hậu thụ thai rồi đẻ ra công chúa Tiên Dung. Công chúa tính nết cứng cỏi vậy mà lại hay cả thẹn. Những thị nữ thân cận nhất chuyên việc buông màn sửa gối cho nàng cũng kể rằng chưa một lần nào công chúa chịu khỏa thân cho người hầu xoa dầu, xức nước thơm.

  Lần ấy công chúa Tiên Dung cho thuyền suôi dòng sông Cái đi mãi về suôi. Con sông Mẹ rộng mênh mang, nước mùa này đỏ au, chảy qua Phong Châu, Long Biên, còn chảy tới đâu nữa? Hết cảnh núi rừng chưa chiều đã tối, công chúa dong buồm đi mãi. Càng đi nàng càng thấy sông nước bao la, trời đất bao la, những cánh đồng, làng xóm, vạn chài đông đúc hiền hòa.Giữa những bãi râu, lũy tre, đồng lúa xanh rì, con sông uốn khúc đưa thuyền công chúa trôi mãi tựa như có một bàn tay vô hình đưa đẩy. Đứng tựa mạn thuyền, chợt công chúa thấy qua khúc ngoặt hiện ra trước mắt mình một bãi cát vàng chạy dài tít tắp. Sao đây chưa phải là bờ biển, sao đây không gần núi đá cao mà lại có  bãi cát mịn sạch bong như thế này? Không phải Tiên Dung mà tất cả 17 thị nữ trên thuyền cùng ngây ngất ngắm nhìn cảnh đẹp. Sau phút ngỡ ngàng, mọi người reo cười vui sướng. Tiên Dung truyền lệnh cắm sào lên bãi cát dạo chơi. Nước sông trong vắt, sóng lăn tăn vỗ quanh mạn thuyền, bãi cát phẳng lỳ chưa hề có dấu chân người. Tiên Dung tung lên bãi quả còn, thế là cả đám thị nữ ùa theo. Tiếng cười con gái giòn giã, lần đầu, xao động nơi này. Đùa nghịch một lát, mấy cô bạo nhất nhìn quanh thấy xa xóm xa làng, cởi bớt áo ngoài. Còn Tiên Dung truyền vây màn, cho nàng tắm mát.

  Những đồ dùng của công chúa khi ra khỏi kinh thành vua cha thật đơn giản, tiện lợi. Chỉ trong chớp mắt, mấy chiếc sào được gác lên, rèm hoa rủ xuống. Tiên Dung bước vào cái vuông tắm quen thuộc mà luôn mới lạ vì sự đổi thay diệu kỳ tùy theo địa điểm mà nàng yêu thích dừng chân. Góc này là sào ngang vắt xiêm áo. Góc kia là chiếc thùng gỗ hương to như chiếc trống đồng đựng đầy nước. Nàng e thẹn liếc nhìn chân rèm đang bị cơn gió tinh nghịch lay động, rồi từ từ cởi xiêm áo. Công chúa còn cúi nhìn một lúc lâu bóng mình trên chiếc gương nước hình tròn. Tự nhiên nàng thấy hai má nóng bừng liền vội vàng cầm gáo vục nước dội ào ào mấy lượt. Nước mát lạnh làm nàng càng thích thú dội tiếp mươi gáo nữa và vì thế không hề hay biết cát khô dưới chân bị nước cuốn trôi để lộ ra cái đầu, tảng ngực trần và toàn bộ thân thể một người con trai, cũng giống nàng, không một mảnh vải che thân. Công chúa suýt kêu lên một tiếng gọi thi nữ. Vừa lúc người kia ngửng lên, Tiên Dung kịp nhận ra gương mặt chàng trai hai mắt mở to, vẻ còn sợ hãi hơn nàng. Tiên Dung đứng nghiêng người, tay cầm chiếc gáo như một thứ vũ khí lợi hại, hỏi: Người là ai? sao lại ở đây? Chàng trai đáp: Thưa tôi họ Chử, làm nghề đánh cá, nhà ở gần đây thôi. Tôi ... Công chúa lại hỏi tiếp: Vậy nhà ngươi mắc tội gì? Vì sao phải đi trốn như thế này? Chàng trai vẫn nằm yên trên cát, trả lời: Tôi không có tội gì cả, chỉ vì tôi nghèo, không có quần áo che thân nên khi thấy người lạ, phải chui vào bãi cát, bụi lau lẩn trốn...

  Không thể kéo dài cả hai trong cảnh ngộ như thế này. Tiên Dung ra lệnh: Nằm im. Rồi rất nhanh nàng đưa tay với chiếc xiêm vắt trên sào ngang và ném cho chàng trai cái khăn. Bấy giờ công chúa mới bình tâm và thốt nhiên bật cười trước cảnh ngộ của mình. Nàng gọi chàng trai đứng dậy, ngắm nhìn gương mặt thuần hậu, thân thể phô đầy vẻ đẹp cường tráng của chàng, nàng hỏi tiếp: Chuyện của chàng hẳn là dài lắm? Đến lượt chàng họ Chử bàng hoàng trước sắc đẹp lồ lộ của công chúa Tiên Dung. Phải một lúc sau chàng mới có thể kể lại chuyện mình.

  Tên chàng là Chử Đồng Tử. Đồng Tử quê ở Chử Xá (Nào ai biết làng đã có tên, hay mảnh đất ấy nhà Chử là người đầu tiên đến dựng lều lán, lâu dần thuyền bè qua lại mọi người cứ nhà Chử, làng Chử mà dặn nhau, gọi nhau).

  Cha chàng là Chử Cù Vân, mẹ tên Bùi Thị Gia. Tuy còn nhỏ, Đồng Tử đã biết theo cha đánh bắt cá. Một này kia, trong lúc ông bà Chử đi vắng, đột nhiên ngọn lửa bốc lên thiêu trụi căn nhà nhỏ, không để lại chút gì dù chỉ là cái bát mẻ để ăn cơm. Rồi sau đó bà Gia ốm nặng, và mất. Từ đấy cha con Chử Đồng Tử lủi thủi bên nhau, cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Có lẽ trên thế gian này chưa có ai nghèo như bố con họ Chử, nghèo đến mức cả nhà chỉ có một chiếc khố dùng chung. Suốt ngày, hai người ngâm mình dưới nước đánh bắt cá, mỗi lần có việc phải tiếp xúc với người ngoài hoặc đi chợ bán cá, mua gạo thì cha nhường con, con nhường cha mặc khố lên bờ.

  Ngày tháng trôi qua. Đồng Tử khỏe mạnh lớn nhanh nhờ rau bờ, cá nước. Nhưng cái nghèo thì vẫn bám riết hai cha con. Cho đến một ngày Chử ông kiệt lực ngã xuống. Biết mình khó lòng qua khỏi, người cha ứa nước mắt nhìn đứa con côi cút. Từ nay nó biết nương tựa vào ai mà chống chọi với cuộc sống đầy gian lao vất vả? Nỗi đau xé lòng của người cha là suốt một đời vật lộn kiếm ăn chịu thương chịu khó mà ông trời bất công hết cho ngọn lửa thiêu lại dâng lũ cuốn, không giúp ông để lại cho con một chút gì, dù là mảnh vải che thân.

  Trước khi trút hơi thở tàn, ông Chử Cù Vân phều phào dặn con: Bố chết đã có đất cát vùi kín. Con ở trần gian không thể ở trần đi ra ngoài, nên giữ khố này để mà dùng. Người cha hai tay run run như cố sức cởi chiếc khố đang mang trên mình trao lại cho con. Nhưng Đồng Tử đã ngăn lại và nói: Bố cứ yên lòng. Con sống ở đời chịu khó làm ăn sẽ mua được nhiều quần áo.

  Không thể để cha chết trần. Chử Đồng Tử quỳ lạy cha xin tha tội bất hiếu, đóng khố cho cha cẩn thận rồi mới đem chôn.

  Cũng từ đấy Chử Đồng Tử thường suốt ngày lặn ngụp đánh cá ở những quãng sông vắng. Mỗi lần gặp thuyền buôn đi qua chàng cứ phải đứng ngâm nửa mình dưới nước.

  Sẽ không ai biết trên đời có một chàng Chử Đồng Tử hiếu thảo nhường ấy, nghèo khổ nhường ấy, nếu như...

  ... Chử Đồng Tử bạo dần lên, kể tiếp: Tôi đang đánh cá thì nghe tiếng đàn hát, cười nói. Sự tình hoảng hốt còn phân vân chưa biết tính sao thì thuyền đã lướt tới. Cũng vì hôm nay tôi mải đuổi bắt một con cá to. Khi đầu nó nhô lên, hai mắt như hai viên ngọc, vẩy bạc óng ánh. Cứ mỗi lần con cá quẫy đuôi là tôi lao tiếp theo vài sải. Những tưởng mười mươi chộp được, ai ngờ nó lặn mất tăm, ngẩng đầu lên đã thấy buồm gấm như một đám mây phủ sẫm mặt nước. Tôi chỉ còn cách xấp ngửa chạy lên bờ như mọi khi tìm bụi lau chui vào ẩn nấp. Nhưng... quanh mình chỉ thấy bãi cát trống trơn. Thưa, bãi cát... như là con sông theo lệnh Long Vương rút cạn nước mà nên sự tình. Vì quãng sông này tôi thường lui tới. Vừa mới hôm qua tôi còn ở đây mà chưa hề thấy. Tôi càng chạy cát càng lún dưới chân, ngoảnh nhìn lại thấy thuyền đã đậu bên bờ. Thuyền đậu mà vừa to vừa lạ. Tôi chỉ còn cách moi cát vùi mình xuống. Tưởng cố nằm chờ, mọi sự sẽ qua đi. Ai ngờ...

  Hai người vẫn đứng trong hoảng hẹp, bốn mắt nhìn nhau. 

  Lần đầu tiên công chúa Tiên Dung đứng bên một người con trai như thế này. Cũng lần đầu tiên chàng ngư phủ Đồng Tử ở cạnh một người con gái băng tuyết như thế này. Đến lượt Tiên Dung tự kể chuyện mình: Em là con gái vua Hùng... Chử Đồng Tử giật mình quỳ xuống: Tôi không được biết, xin tha tội chết. Tiên Dung vội bước lên, nâng chàng dậy. Vô tình hai người đứng sát vào nhau, hai làn da thịt truyền hơi ấm cho nhau. Nàng Tiên Dung chắp hai tay trước ngực, mặt ngửa nhìn trời: Tôi đã nguyện không lấy chồng nhưng hôm nay  gặp chàng trai trong cảnh ngộ này cũng là do Trời Đất xếp đặt xui khiến.

  Nói rồi nàng vén màn truyền thị nữ mang thêm cho một bộ quần áo, bộ nam trang luôn có sẵn trên thuyền đã một lần công chúa mặc cải dạng lên bờ trảy hội.

  Tất cả thị nữ đều kinh ngạc mở to mắt khi thấy nữ chủ nhân của mình từ trong màn bước ra bên một chàng trai tuấn tú. Hai người sánh vai nhau bước xuống thuyền.

  Công chúa kể lại sự tình cho các thị nữ cùng nghe rồi truyền mở tiệc hoa. Từ lúc bước chân lên thuyền, bước vào một thế giới mới giàu sang quyền quý, lại biết mình sẽ kết vợ chồng cùng công chúa, Chử Đồng Tử có ý từ chối. Nhưng Tiên Dung nói: Ta làm theo ý Trời, chàng việc gì mà lo ngại?

  Hai người bước ra đầu thuyền quỳ trên chiếc chiếu đậu. Trước mặt là hương án bày đĩa hoa, bát nước và ba nén hương. Đôi vợ chồng trẻ khấn lậy cảm ơn sự tác thành ngẫu hợp của Trời Đất, cầu xin các đấng thần linh chứng giám và phù hộ cho mình sống hạnh phúc lâu dài. Lễ xong, Tiên Dung đứng dậy đưa cho Chử Đồng Tử chén rượu, hai người uống chung một nửa, nửa còn lại nàng rót xuống mặt sông, nơi đầu thuyền, bãi cát và sóng nước đang vờn nhau. Con thuyền bồng bềnh, gió đưa cánh rèm lay động. Trăng đã lên, đôi má ửng hồng vì men rượu, men tình, Tiên Dung - Chử Đồng Tử bước vào khoang thuyền. Khoang ngoài bày tiệc cưới, các thị nữ đàn hát, múa, dâng chúc hai người những lời tốt đẹp nhất. Khoang trong, ánh bạch lạp lung linh soi tỏ một chiếc gối đặt trên chăn gấm. Tiệc tan, các cung nữ lần lượt lui ra phía sau thuyền. Một cơn gió lách qua cánh rèm thổi tắt mấy ngọn nến. Ánh trăng dãi đầy trên mặt nước, mui thuyền. Chỉ có hai người bên nhau. Tiên Dung thỏ thẻ: Hồi chiều trong màn tắm, em suýt chém chết chàng. Vì bao giờ em cũng mang theo bên mình thanh gươm. Khi chàng lộ ra, em hãi hùng thoạt tưởng thuỷ quái long cung hiện hình, từ dưới nước chui lên cưỡng hiếp, như trong chuyện cổ mẫu hậu thường kể. Vậy chàng là người thật hay là tiên?...

  Trong lúc ngây ngất đắm say Chử Đồng Tử không hề hay biết nến đã thắp sáng dần, một người thị nữ từ lúc nào quỳ sẵn bên rèm, chờ lệnh. Công chúa Tiên Dung: Mời chàng sang, sang nghỉ phòng bên. Em đã cho người về báo với vua Cha, Mẫu Hậu và Thái Trưởng công chúa, Duyên khánh công chúa, Thái Hiến công chúa. Khi nào được phép chúng ta sẽ thành thân. Bổn phận làm con, phải giữ tròn chữ hiếu, chữ trinh.

  Người thị nữ cầm giá nến đi trước dẫn đường, Chử Đồng Tử theo sau.

  Nào ngờ... Nghe con gái cử người về báo tin, vua Hùng đập bàn nổi giận; Tiện nữ dám trái ý ta ! Thiếu gì vương tôn công tử mà đi lấy một người không rõ gốc gác. Thế là chàng Chử Đồng Tử không khoác áo phò mã cưỡi ngựa hồi cung. Còn công chúa Tiên Dung bán hết ngọc ngà châu báu đổi lấy bộ quần áo nâu sồng trở thành một cô gái nơi quê mùa cùng chồng xây dựng tổ ấm.

  Nàng theo mọi người ra đồng cấy lúa, trồng dâu. Nàng đặt đòn gánh lên vai đi chợ xa chợ gần. Canh khuya nàng còn ngồi dưới trăng quay xa, dệt vải. Đôi vợ chồng trẻ không về Chử Xá, làm nhà mới ở xuôi phía dưới nơi mà sáng sáng chỉ cần  chống cửa là nhìn ngay thấy bãi cát trời đất xếp đặt cho hai người gặp nhau.

  Thế rồi mưa thuận gió hòa, thóc đầy bồ, tôm cá đầy khoang, nơi Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở, người theo về quần cư ngày càng đông vui. Làng thêm xóm mới. Chợ thêm phiên, lều quán kéo dài. Bến sông kè đá. Thuyền to không biết từ phương xa nào tới mang theo nhiều hàng quý hiếm.

  Không mấy người không biết Tiên Dung lá ngọc cành vàng con vua con chúa. Nàng đã thức suốt đêm cùng người hàng xóm mừng đón một đứa trẻ ra đời, cùng phụ nữ trong làng xẻ thịt con nai cha vừa săn được. Trong khi cánh đàn ông vui bên những chóe rượu cần thì Tiên Dung hát giữa tiếng nhạc cồng chiêng. Rồi tất cả nắm tay nhau nhảy múa quanh ngọn lửa hồng cho đến sáng, thỉnh thoảng lại thích thú đồng thanh hú lên từng hồi dài.

  Một hôm Tiên Dung bàn với Chử Đồng Tử: Thiếp nghe người khách buôn phương xa mới tới đây nói rằng đất mình nhiều gỗ quý, ngà voi, sừng tê giác, da cá sấu... Nếu biết vượt biển mang bán tận phương xa thì sau mỗi chuyến đi một dật vàng lãi thành mười dật. Chàng thấy thế nào?

  Ban đầu Đồng Tử gạt đi: Trước đây ta nghèo đến mức không có cả đến cái khố mà mặc, nay được giàu có sung sướng thế này là mang ơn trời đất lắm rồi. 

  Tiên Dung: Nếu mộng giàu sang thì em đã chẳng theo chàng. Ngoài đất nước ta, còn có núi sông nào nữa? Ngoài thế giới ta đang sống, còn có thế giới nào nữa? Chàng hãy nghe em, thử một chuyến đi xa.

  Chử Đồng Tử nghe lời háo hức lên thuyền cùng người khách thương vượt biển. Sau ba ngày ba đêm, thuyền thả leo dưới chân một đảo vắng lấy thêm nước ngọt. Trong khi các thùy thủ sửa sang buồm lái thì Chử Đồng Tử lững thững lên bờ dạo chơi. Chàng thấy hòn đảo xanh tươi, phong cảnh đẹp lạ kỳ, con chim có tiếng hót lạ như dụ chàng vui chân đi tiếp, đi mãi sâu vào bên trong đảo. Chử Đồng Tử ngửng đầu lên nhìn thấy chót vót trên núi cao một cái am cỏ. Từ trong khe núi có một cụ già râu tóc bạc phơ bước ra. Ông cụ đầu đội nón mây, tay lê gậy trúc, chân dậm hài cỏ vừa đi vừa phất tay áo rộng, hát rằng:

Núi cao chót vót nước lại thâm

Trong cõi trần ai kẻ tri âm

Ai kẻ tri âm thời đồng tâm

Đồng tâm xin kết bạn giai âm

Kết bạn giai âm muôn dặm cũng tầm

Vui với núi cao cùng nước thâm.

Chử Đồng Tử đón sẵn bên đường, vái lạy: Tôi trộm nghe câu hát, biết mình có phúc được gặp bậc tiên. Dám xin rủ lòng cho theo học đạo.

  Ông cụ nói: Ta chờ đã lâu rồi. Nói đoạn quay người đi trước bước chân thoăn thoắt. Đồng Tử theo sau thấy mình đạp lên đá mà nhẹ như đi trên mây, một chốc tới am cỏ, nhìn xuống xa vời không thấy bãi đá, cây rừng đâu cả. Ông cụ giữ Chử Đồng Tử ba ngày, truyền dạy phép thuật.

  Trước khi chia tay, cụ cho Chử Đồng Tử một chiếc gậy và một cái nón, dặn: Phép biến hóa ở cả trong hai thứ này. 

  Chử Đồng Tử xuống núi, ngoảnh lại đã không thấy am cỏ đâu. Đang hoảng sợ thì nhìn phía xa chàng thấy trên mặt biển thấp thoáng một cánh buồm vội dơ tay vẫy gọi. Thuyền ghé vào bờ, không ngờ gặp đúng những người đã cùng Chử Đồng Tử đi buôn. Người trên thuyền mừng rỡ kể lại hôm ấy Chử Đồng Tử lên đảo rồi lạc trong khe núi. Mọi người chia nhau tìm kiếm hồi lâu không thấy đành phải nhổ neo đi tiếp. Ai cũng nghĩ Đồng Tử không còn nữa. Chuyến buôn nay mới trọn vẹn, mọi người cho thuyền quay mũi dong buồm về đến đây, tính chuyện lên thắp nén hương. Một người nói: Vừa đúng ba năm... Chử Đồng Tử giật mình nhớ lại: Chàng ở trên núi chỉ có ba ngày. Thì ra một ngày trên cõi tiên bằng một năm dưới hạ giới.

  Tiên Dung thấy chồng đắc đạo trở về thì mừng lắm. Nàng cũng xin được truyền dạy phép thuật, cả hai vợ chồng cùng tu luyện rồi đi hành đạo, cứu nhân độ thế.

  Tiên Dung nói: Ta đã hằng sản hằng tâm cứu người nghèo, giúp kẻ khó, làm cho nhiều người có nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Nhưng cái sự đau ốm, tử biệt sinh ly thì vẫn chưa làm cho trăm họ vợi đau khổ phần nào. 

  Chử Đồng Tử chỉ vào chiếc gậy, cái nón, nhắc lại lời ông cụ trên am cỏ nói với mình: Phép biến hóa ở cả trong hai vật này.

  Phải năm phát dịch người chết rất nhiều. Có nhà chết không còn một ai. Có làng đầu xóm, cuối xóm ngày đêm vang tiếng người khóc thảm thiết. Người chưa kịp chôn người chết đã bị  "Quan ôn" bắt đi, lăn ra tắt thở. Đi trong xóm thôn, mùi đống rấm cháy ẩm ướt do nhân dân đốt trừ tà ma bốc lên mà thấy rợn người.

  Trước tai họa của nhân dân, Chử Đồng Tử - Tiên Dung ra tay cứu vớt. Người chết nằm đó, chỉ cần Chử Đồng Tử cầm gậy thần chỉ thẳng vào là mở mắt hồi sinh. Nghe tin làng Ông Đình chết nhiều người lắm. Chử Đồng Tử ngả nón rồi cùng Tiên Dung ngồi lên bơi vun vút qua sông. Khi hai ông bà tới nơi thì hầu như cả làng không còn bóng người, xác chết nằm phơi khắp trong nhà ngoài ngõ. Những người đang hấp hối cũng chỉ biết nằm thoi thóp thở. Chử Đồng Tử phải đến gần cầm gậy đập mấy cái liền vào từng xác chết, gọi: dạy, dạy mau ! Những xác người từ từ mở mắt rồi ngồi nhỏm dậy. Khi biết mình vừa được sống lại họ quỳ lạy tạ ơn rối rít. Chử Đồng Tử cười, hỏi: Khỏe hẳn chưa? Đáp: Thưa, khỏe lắm rồi ạ. Chử Đồng Tử: Khỏe thì ra sân vật nhau cho ta xem !

  Người nghe, tất thảy reo hò ầm ĩ kéo nhau ra sân ra bãi ôm nhau, vật nhau theo tiếng trống thúc dồn dập của người cầm chịch. Cả người trong xới vật, cả người đứng xem đều thấy mình khỏe ra, trẻ lại. Nhưng ngoảnh nhìn thì cứu tinh của họ, ông bà Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã đi từ lúc nào. Hẳn là hai người tiếp tục đi đến những thôn khác, đáp ứng lời nguyện cầu của dân làng khác đang có dịch bệnh hoành hành.

  Từ ngày đắc đạo, Tiên Dung đã chia hết của cải cho người nghèo trong vùng. Hai người như hai vị khách lữ hành đi khắp mọi nơi cứu nhân độ thế. 

  Một bữa nọ hai người đang bước mải miết trên đường thì trời xập tối. Làng xóm còn xa, chung quanh gò hoang, đầm nước vắng vẻ, sương đêm bốc lên lạnh lẽo. Chử Đồng Tử - Tiên Dung đều cảm thấy mỏi mệt bèn bảo nhau dừng chân tạm nghỉ. Hai người chọn nơi cao ráo, cắm chiếc gậy xuống, úp cái nón lên rồi ngồi bên dưới tựa vào vai nhau nhắm mắt thư giãn.

  Chẳng ngờ phép thuật hiển linh. Nửa đêm quanh chỗ hai người ánh sáng chói lòa. Rồi trong phút chốc cả một tòa thành quách, lâu đài, cung điện hiện ra. Trời đã sáng, dân đi làm thấy có sự lạ, bảo nhau theo đến rất đông. Người ta thấy cổng thành cờ xý rực rỡ, lính canh uy nghiêm, voi ngựa ra vào rầm rập. Nhìn vào bên trong thấy lâu đài tráng lệ, tỳ tướng, quân hầu, thị nữ đứng giàn hai bên như đang tấu trình công việc. Ngồi trên giữa chính điện là Chử Đồng Tử - Tiên Dung, mặc áo hoàng bào thêu long phượng, nét mặt oai nghiêm mà đầy nhân hậu.

  Biết mình có diễm phúc được bậc thiên tiên che chở, dân các miền bảo nhau kéo về quy phục, lập thàn phố xá đông vui như một nơi đô hội. Khách phương xa tới nước mình trước khi đến Phong Châu đều dừng thuyền lên bờ vào làm lễ ra mắt Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

  Ngày tháng trôi qua, Chử Đồng Tử - Tiên Dung mải miết hành nghề cứu dân. Những lúc rỗi hai người lại ngồi bên nhau trò chuyện. Chử Đồng Tử: Từ ngày làm bạn với nàng cuộc đời ta thay đổi nhưng cũng chưa bao giờ mơ ước được có hôm nay. Tiên Dung đáp: Do có sự xếp đặt cả thôi. Chử Đồng Tử lại nói: Như cái sự mong muốn của ta là con người thoát cảnh nghèo nàn được sống ấm lo hạnh phúc thì đã đạt một phần. Tiên Dung lắc đầu: Con người có thể sống dư thừa ấm no, nhưng hạnh phúc thì còn tùy thuộc... Đồng Tử gật đầu: Nàng nói chí phải. Ai chẳng biết lúc trăng tròn đầy là đẹp, nhưng không biết trăng non đầu tháng mọc nơi hoàng hôn, trăng khuyết  rụng ngay buổi bình minh nơi mặt trời mọc. Đạo ta còn phải truyền rộng...

  Hai người lại đi khắp bốn phương, có lần vào tới tận cửa biển Quỳnh Nhai, nay thuộc Nghệ An, khi ấy là biên giới nước ta.

  Lần ấy Chử Đồng Tử - Tiên Dung vừa rời lâu đài đi tới Đông Kim (thuộc xã Đông Tảo ngày nay) thì gặp một người con gái đang cấy lúa bên đường. Thấy Chử Đồng Tử dừng ngựa ngắm nhìn cô gái xinh đẹp, Tiên Dung hiểu ý chồng bèn đế gần nói với cô ta: Em là người tiên hay người trần? Thiếu nữ trả lời: Em là tiên nữ ở Tây cung xuống giả là người trần đó thôi. Cũng như hai vị, nay đã đắc đạo. Cuộc hội ngộ hôm nay hẳn do ý trời. Tiên Dung nói: Do trời định đoạt nhưng con người mưu toan. Trong phán quyết của trời, con người có dự phần. Chử Đồng Tử hỏi: Ta đã học được trong đạo phép cải tử hoàn sinh, các nàng có đi theo ta không. Cả hai nàng cùng đáp: Cứu người là việc thiện, sao chúng em lại không theo? Từ đấy Chử Đồng Tử có thêm người vợ thứ, vốn là tiên nữ Tây cung đầu thai vào một nhà họ Nguyễn có nghề thuốc nam gia truyền, dân trong vùng quen gọi là nàng Nguyễn. Nàng Nguyễn đáp lại đúng mong ước của Chử Đồng Tử: Con người sống no ấm nhưng còn phải luôn khỏe mạnh không bệnh tật đau ốm. Mà cái sự bệnh tật đau ốm thì sảy ra thường ngày. Phép làm cho con người khỏi ốm đau cũng là kéo dài sự trường sinh, tăng tuổi thọ. Nàng Nguyễn đã về Phong Châu chữa bệnh cho vua Hùng. Khi nhà vua khỏi bệnh truyền đem lụa, gấm ra tiễn. Nàng Nguyễn cúi đầu lạy tạ, thưa chính công chúa Tiên Dung nghe tin vua cha ốm đã cử nàng về thay mặt Chử Đồng Tử - Tiên Dung báo hiếu.

  Nhưng rồi thanh thế Chử Đồng Tử - Tiên Dung ngày càng rộng lớn. Tiếng đồn về làng nhân đức, sự cảm phục tài năng phép thuật cứu được người chết sống lại càng ngày càng xa. Thêm vào đó những lời đồn đại về cung điện nguy nga, lâu đài thành quách rộng lớn, phố chợ đông vui, nhiều người về quy phục đến tai vua Hùng, cố tình gây cho nhà vua lòng nghi ngờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung mưu đồ phản nghịch. Nghe lời sàm tấu nhà vua quyết định cử tướng mang quân đi đánh bắt Chử Đồng Tử - Tiên Dung về hỏi tội.

  Quân nhà vua sát khí đằng đằng, gươm giáo sáng lóa chỉ một ngày tốc thẳng tới nơi. Nhưng vì trời tối và còn cách con sông rộng nên các tướng truyền hạ trại ngày mai sẽ tấn công bắt trói giải nghịch tử nghịch nữ về triều.

  Trong lâu đài, các tướng của Chử Đồng Tử - Tiên Dung xin được ra nghênh chiến. Ai cũng muốn có dịp lập công tả ơn Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Ai cũng muốn làm sáng tỏ nỗi oan ức vì sự hiểu lầm của vua cha.

  Nhưng Chử Đồng Tử gạt đi: Việc binh đạo sát hại dân lành là điều ta trước nay không muốn. Tiên Dung cũng khuyên mọi người: Đạo làm con không được chống lại cha. Hai người truyền đóng cửa thành. Nhấc nón, nhổ gậy.

  Quan quân nhà vua còn đang bàn tính. Dân trong vùng còn đang lo lắng chờ đợi. Thì nửa đêm trời nổi sấm chớp, mưa như trút nước, gió mạnh đổ rạp ngọn cây. Tự nhiên ánh sáng chiếu lòa như giữa ban ngày, những người bạo nhất dám hé mắt nhìn ra thấy trong tiếng ầm ầm cả tòa lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử - Tiên Dung đang bốc khỏi mặt đất rồi bay vút về trời. Sau đó mưa tạnh, gió yên. Cho đến sáng quan quân mới dám cử người đi dò la rồi lần lượt sang sông. Đến nơi, ai nấy kinh hãi nhìn nhau vì trước mặt chỉ là một đầm nước rộng mênh mông. Cả tòa thành lớn cùng tiên chủ, quân hầu không để lại vết tích gì.

  Vua Hùng hay tin, về tận nơi xem xét. Bấy giờ mới tường mọi việc. Nhà vua cho đặt tên đầm là Nhất Dạ Trạch (đầm một đêm). Lại truyền xây miếu thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, nhà vua mở đầu lễ dâng hương, dặn nhân dân địa phương ngày đêm thờ phụng, hàng năm triều đình cử quan đại thần về làm lễ tưởng niệm. Tất cả những nơi Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã tới truyền đạo, chữa bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ rất tôn nghiêm.

 

 

Văn hóa

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
194 người đang online