Tình hình phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020

PHẦN MỘT

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ,

XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. Tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015

1. Về phát triển kinh tế.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân đạt 10,33% (năm 2011 đạt 13,84%, năm 2016 đạt 10,2%); giá trị sản xuất CN-TTCN-XD bình quân tăng 12,86%, năm 2016 tăng 13,19%; TM - DV bình quân tăng 12,9%, năm 2015 tăng 11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng; thu nhập bình quân đầu người từ 26 triệu năm 2011 lên 45 triệu đồng/năm vào năm 2016, giá trị thu trên 01 ha canh tác từ 135 triệu/ha (năm 2011) lên 175 triệu đồng/năm vào năm 2016. Tổng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 114 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường chuyển biến tích cực.

1.1. Sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển khá mạnh và khá toàn diện theo 3 vùng sản xuất: Vùng màu, vùng nửa lúa, nửa màu khu Bắc, dọc tuyến kênh Tây và khu giữa huyện chuyển đổi mạnh chuyên canh các loại cây ăn quả, cây màu, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 đến 7 lần trồng lúa. Nhiều xã đã cơ bản chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang chuyên canh cây ăn quả như: Đông Tảo, Bình Minh, Hàm Tử, Đông Kết, Tứ Dân (giai đoạn 2011 - 2015 đã chuyển đổi hơn 1800 ha trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh sang trồng cây ăn quả, làm trang trại),... vùng bãi sông Hồng có truyền thống chuyên canh, chế biến cây dong riềng, gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho nhiều xã trong và ngoài huyện nay đã chuyển đổi toàn bộ sang trồng chuối tiêu hồng và làm cây giống các loại cho thu nhập kinh tế cao, trở thành vùng chuyên canh chuối tiêu hồng được nhiều tỉnh thành biết đến.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, diện tích cây ăn quả tăng nhanh, đạt 2.700ha (năm 2010 có 1550 ha) trong đó diện tích nhãn 1.560 ha, sản lượng đạt 34.000 tấn, giá trị đạt 1.046 tỷ đồng (từ năm 2011 - 2016). Diện tích chuối tiêu hồng trên 500 ha, đạt 30.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 150 - 180 tỷ đồng/năm. Diện tích các loại cây có múi khoảng 300 ha cho giá trị kinh tế cao. Sản lượng chăn nuôi và thủy sản tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình giảm dần. Năng suất lúa hàng năm đều dẫn đầu của tỉnh, bình quân hàng năm đạt 13 tấn/ha, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao chiếm 42%; tỷ trọng ngành trồng trọt đạt 53,3%; chăn nuôi, thuỷ sản đạt 46,7%; năm 2011 có gần 500 trang trại đến nay đã có khoảng 600 trang trại, trong đó 124 trang trại đạt tiêu chí Liên bộ, 70 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận, đóng góp 90% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng; sản lượng thủy sản ước đạt 4.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 150 tỷ đồng; đàn bò sữa 607 con cho lượng sữa 1.200 tấn/năm. Tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tới nay Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Gà Đông Tảo; nhãn hiệu Chuối Tiêu hồng Khoái Châu.

1.2. Tài nguyên - Môi trường.

Công tác quản lý Nhà nước về TNMT có chuyển biến tích cực, tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên,... Hoàn thành dự án VLAP ở 25 xã, thị trấn và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Đã cấp 115.419 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 65,49%. Thực hiện GPMB 54 dự án với trên 145 ha. Vấn đề DTĐR, giải quyết đất dôi dư, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, ứng phó với thiên tai, xử lý vi phạm hành lang các công trình thủy lợi,… là những nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, tới nay có nhiều chuyển biết tích cực, nhiều vấn đề được giải quyết căn bản, thu trên 5 tỷ đồng tiền đất dôi dư. Đã cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng để nhân dân 5 xã là Đồng Tiến, Thuần Hưng, Đại Hưng, Thành Công và thôn Quang Trung xã Nhuế Dương sau khi thực hiện DTĐR đã nhận ruộng ngoài thực địa. Thực hiện tốt việc đấu giá quyền SDĐ tạo nguồn thu cho ngân sách. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm hơn. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có tổ vệ sinh môi trường tự quản, mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được thực hiện tới 15 cơ sở; 03 điểm tập kết rác thải đưa vào hoạt động tại các xã Tân Châu, Tứ Dân và Nhuế Dương, thu gom, vận chuyển tổng  hơn 8.000 tấn rác thải đi xử lý, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Năm 2016 đang triển khai tiếp 4 điểm tập kết, thu gom rác thải tập trung.

1.3. Về sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nhiệm kỳ có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; coi trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tới nay có 67 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thu hút một phần đáng kể lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn, …Giá trị sản xuất CN - TTCN – xây dựng bình quân 5 năm đạt 3.018 tỷ đồng (tăng từ 2.003 tỷ đồng năm 2011 lên 4.025 tỷ đồng vào năm 2016). Khuyến khích tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề truyền thống phát triển;

1.4. Về giao thông, thủy lợi và xây dựng.

Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nhiều tuyến đường do tỉnh ủy thác, đường huyện và giao thông nội đồng; ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông, thủy lợi. Đã xây dựng được 315 km đường giao thông; 59 công trình thủy lợi; 21,045 km kênh, mương với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng; hoàn thành thi công đưa vào sử dụng trụ sở làm việc của HĐND và UBND huyện, trụ sở làm việc của 19 xã, thị trấn; hoàn thành gói thầu kiên cố hóa trường lớp học; quy hoạch chung xây dựng khu Bô Thời - Dân Tiến. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng Dự án chợ và nhà ở thương mại Dân Tiến; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư An Vỹ, xây dựng chợ nông sản An Vỹ; các dự án cung cấp nước sạch trên địa bàn...

1.5. Thương mại, dịch vụ.

Phát huy tốt lợi thế của huyện, thu hút đầu tư, phát triển TMDV phục vụ nhu cầu phát triển, đã có 14 dự án kinh doanh, dịch vụ đầu tư vào địa bàn. Năm 2016 giá trị Thương mại, dịch vụ đạt 3627 tỷ đồng. Hoàn thành phê duyệt mạng lưới chợ nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; chợ thương mại Dân Tiến hoàn thiện và đi vào hoạt động, chợ nông sản An Vĩ đang xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác, trung tâm Thương mại Chợ Phủ, chợ nông sản đầu mối Đông Tảo và các chợ dân sinh hoạt động ngày càng hiệu quả.

1.6. Về xây dựng Nông thôn mới.

Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã huy động được trên 900 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, ngân sách huyện hỗ trợ các xã mua cát vàng làm đường thôn, xóm,... Công tác xây dựng Nông thôn mới đạt được kết quả đáng khích lệ, đến nay bình quân đạt 16,33 tiêu chí/xã, có 8 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, trong đó 8 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới là Bình Minh, Đông Kết, Thuần Hưng, Dân Tiến, Tân Dân, Tân Châu, Ông Đình và Phùng Hưng.

2. Về Văn hoá, xã hội

Hoạt động Văn hoá, thông tin, thể dục thể thao và truyền thanh tiếp tục có bước phát triển, thông tin, tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực; tổ chức thành công Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung gắn với năm du lịch Quốc gia đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng; công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các di tích, quản lý các lễ hội truyền thống có chuyển biến tích cực; trùng tu, tôn tạo 34 di tích; khôi phục, phát huy nghệ thuật dân gian truyền thống, như hát trống quân Dạ Trạch, hát ca trù Bình Minh. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được các tầng lớp nhân dân nhận thức và thực hiện ngày càng tốt hơn, nhiều nơi làm tốt việc quy hoạch, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân và xây cất phần mộ theo quy định. Từng bước đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở; phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp; 100% các xã, thị trấn có các câu lạc bộ TDTT; số gia đình thể thao đạt 22,87%; số người rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn đạt 28,16%. Thể thao mũi nhọn giành được nhiều thành tích cao. Hoàn thành dự án đặt tên đường phố và triển khai gắn số nhà trên địa bàn Thị trấn Khoái Châu.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, nội dung và thời lượng phát sóng của hệ thống truyền thanh, duy trì phát sóng 03 lần trong ngày, thường xuyên tiếp phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh; 21 xã lắp đặt hệ thống truyền thanh kỹ thuật số. Bưu chính, viễn thông phục vụ tốt nhu cầu khách hàng; toàn huyện đã được phủ sóng 3G, nâng số thuê bao Internet lên 5.013 và có 145.090 thuê bao di động.

II. Đánh giá chung.

1. Kết quả đạt được.  

UBND huyện chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, của huyện ủy, thực hiện tốt và đầy đủ các nghị quyết của HĐND huyện. Hoạt động của UBND huyện, của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện theo đúng quy chế làm việc, có sự phân công, phân nhiệm, định kỳ kiểm điểm việc tổ chức thực hiện tạo thuận lợi cho việc phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Thực hiện hoàn thành và vượt phần lớn các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của nhiệm kỳ; tạo môi trường thuận thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn huyện, các dự án được triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng và cấu trúc, quy hoạch.

  2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.

- Công tác xử lý đất dôi dư và DTĐR tiến độ triển khai chậm, khối lượng công việc hoàn thành còn ít, có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao.

- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ cấu cây trồng của nông dân ở một số xã, thị trấn diễn ra tự phát, làm biến dạng đất, chưa kịp thời khắc phục.

- Việc dạy thêm, học thêm, thu góp một số khoản không đúng quy định ở một số nhà trường vẫn xảy ra; công tác chính sách xã hội có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện chưa cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng.

 - Tinh thần, ý thức, trách nhiệm và kỹ năng giao tiếp, văn hóa công sở của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ còn yếu, chưa ý thức hết trách nhiệm của mình với công việc; công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu.

 

PHẦN HAI

NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ,

XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Huy động tốt mọi nguồn lực để hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, QP-AN phấn đấu đến năm 2020 có trên 70% số xã đạt tiêu chí NTM.

2. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Hoàn thành hạ tầng 2 cụm công nghiệp của huyện để thu hút đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào địa bàn. Ưu tiên thu hút phát triển các dự án công nghiệp công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh ít gây ô nhiễm môi trường, thu hút nhiều lao động có việc làm ổn định vào khu vực xây dựng đô thị Bô Thời - Dân Tiến, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Tạo cơ sở thúc đẩy TMDV phát triển và đẩy nhanh tốc độ xây dựng khu Bô Thời - Dân Tiến sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV.

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng: Huy động tối đa các nguồn lực xã hội và ngân sách các cấp tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của huyện. Ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án, các tuyến đường trục chính trong huyện, hạ tầng đô thị trung tâm huyện và khu Bô Thời - Dân Tiến; đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

4. Tài nguyên – Môi trường: Đẩy nhanh tiến độ dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp theo lộ trình đề ra; đẩy nhanh thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch và thực hiện có hiệu quả các dự án tạo vốn từ quỹ đất, xử lý đất dôi dư tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và làm tốt công tác bảo vệ môi trường; thực hiện đầu tư, cải tạo các bãi rác, điểm tập kết rác thải trong huyện theo quy hoạch; xử lý ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; phân loại rác thải tại nguồn; phát huy hiệu quả các tổ vệ sinh môi trường ở cơ sở.

5. Giáo dục - Đào tạo: Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng trong giáo dục – đào tạo. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; coi trọng phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Kiện toàn, nâng cao chất lượng và chuẩn hoá nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo.

6. Sự nghiệp Văn hóa, thông tin - Thể dục thể thao - Truyền thanh: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân, thiện, mỹ; thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học. Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; duy trì thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và xây cất phần mộ; nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở. 

Văn phòng HĐND&UBND

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
42 người đang online