Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Đăng ngày 24 - 04 - 2024
100%

Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp CĐS trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý. Đến hết quý I, 14 bộ, ngành và 52 địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các CSDL quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Hiện nay, cả nước có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng, 100% số xã kết nối internet cáp quang, di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Về phát triển kinh tế số, tỉ trọng kinh tế số/GDP năm 2021 là 11,91%, năm 2022 là 14,26% và năm 2023 ước đạt 16,5%. Trên 80% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình, tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 38,3%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ các tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát, điều chỉnh văn bản pháp lý để đơn giản hóa các TTHC liên quan tới giải quyết giấy tờ công dân chậm triển khai; tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC còn thấp; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL và danh mục dữ liệu mở; tình trạng dữ liệu cá nhân bị khai thác, mua bán trái pháp luật còn diễn ra; toàn quốc còn 1.077 thôn chưa có sóng băng rộng di động (vùng lõm sóng); nguồn lực bảo đảm an toàn thông tin còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam; trên 30% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa có giải pháp đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cắt, giảm TTHC, giảm phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại... cho người dân và doanh nghiệp. Càng số hóa mạnh mẽ, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Chúng ta đã đi qua 1/3 chặng đường của năm 2024 - năm bứt phá trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Nhiệm vụ cần tập trung lúc này là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy, các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn các nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Kế hoạch hoạt động năm 2024, Ủy ban Quốc gia về CĐS đã xác định trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt, hành động mạnh mẽ, thực chất các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động, chương trình CĐS, bảo đảm mỗi nhiệm vụ được triển khai phải mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững...

Phát biểu với các đại biểu tại điểm cầu của tỉnh, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong thực hiện dịch vụ công. Tỉnh đã ban hành các cơ chế miễn, giảm các loại phí, lệ phí nhằm thúc đẩy người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kết quả CĐS của tỉnh với nhiều chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần bám sát các nội dung, nhiệm vụ được phân công trong chương trình, đề án, kế hoạch CĐS của tỉnh và của ngành, lĩnh vực, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương phải xác định CĐS là 1 trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân…

 
Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm...(28/06/2024 3:36 CH)

    Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động bến bãi và khảo sát các mỏ cát trên tuyến sông Hồng và sông Luộc(07/05/2024 4:52 CH)

    Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tổng kết một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng(26/04/2024 3:37 CH)

    °
    148 người đang online