Bình Minh nằm ở phía Tây bắc huyện Khoái Châu, phía bắc giáp với xã Mễ Sở huyện Văn Giang, phía Đông giáp với xã Đông Tảo, phía Nam giáp với xã Dạ Trạch, phía Tây giáp với sông Hồng.
Dân số: 8.500 nhân khẩu,
Diện tích đất tự nhiên: 605,43 ha , trong đó co 318 ha canh tác.
Xã có 3 thôn: Thôn Thiết trụ, Thôn Bằng Nha, Thôn Đa hòa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bình Minh đã tiễn đưa trên một ngàn người con của quê hương lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, có 17 bà mẹ được Nhà nước phong tặng "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", có 201 người đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc và 86 đồng chí thương binh. Năm 2000 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Bình Minh có 02 di tích được Nhà nước xếp hạng văn hóa, đó là di tích Đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung và Đền Liên Hoa (Thôn Thiết Trụ).
Khu di tích đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một quần thể di tích nổi tiếng, có 18 nóc lớn nhỏ, ý tưởng nhớ tới thiên tình sử của nàng Công chúa Tiên Dung vừa tròn 18 tuổi. Đền do tiến sỹ Chu Mạnh Trinh người Tổng Mễ hưng công xây dựng, tôn tạo năm 1894. Trên nền ngôi đền cổ, Đền Chử Đồng Tử có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn, nét độc đáo của 18 nóc nhà lớn nhỏ tựa hình 18 con thuyền rồng nhấp nhô trên sóng biếc. Quần thể di tích là khu danh lam thắng cảnh, nằm trong không gian thẩm mỹ với sông nước bao la đã được UBND tỉnh Hưng Yên quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Thường ngày có hàng trăm khách thập phương và khách nước ngoài đến thăm quan du lịch thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh của khu Đền. Hàng năm từ ngày mồng 10 - 12 tháng 2 âm lịch mở lễ hội truyền thống với nhiều nội dung phong phú kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội, có các trò chơi dân gian, rước nước du thuyền trên sông Hồng. Cứ 3 năm mở lễ hội Tổng (Tổng Mễ cũ 8 làng) hai xã gồm xã Mễ Sở và xã Bình Minh đồng tổ chức. Trong ngày hội 8 làng rước kiệu đưa Thành Hoàng bản thổ làng mình về trình Đức Thánh và dự hội. Lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự lễ hội.
Bình Minh có 3 thôn đều được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận danh hiệu "Làng văn hóa", đến nay cả 3 làng vẫn duy trì danh hiệu.
Bình Minh cách thủ đô Hà Nội khoảng 15 km, giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi, có bến đò ngang sang huyện Thường Tín Hà Nội, nên việc giao lưu hàng hóa đi các nơi trong nước thuận lợi. Đây cũng là một trong những thế mạnh để xã phát triển kinh tế. Xã đã sớm bê tông hóa đường giao thông nông thôn, điện, đường, trường trạm khang trang. Trụ sở làm việc của UBND xã khang trang, có đủ phòng làm việc cho các ban ngành, đoàn thể. Các thôn đều có nhà văn hóa, có tủ sách với nhiều đầu sách phục vụ nhân dân.
Nhân dân Bình Minh cần cù, năng động sáng tạo, nhanh nhạy trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến hàng hóa nông sản, kinh doanh dịch vụ. Phát huy tối đa hiệu quả của đất, nâng cao hệ số quay vòng đất 3,3 vòng/ năm, chủ yếu trồng cây dược liệu và cây có giá trị kinh tế cao.
Ngoài sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, xã có làng nghề truyền thống là nghề mộc, nề, chế biến dược liệu. Những sản phẩm đồ mộc của địa phương với những bàn tay khéo léo của người thợ được nhiều khách hàng vùng phụ cận và tỉnh ngoài ưa chuộng. Đặc biệt hàng dược liệu của địa phương, đã được xuất đi khắp thị trường trong nước và nước ngoài, phần lớn xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra nhân dân Bình Minh còn chế biến các loại hoa quả làm mức như: Táo quả, mứt quất quả, mứt cà chua, chế biến long nhãn, long vải ... cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả cá cũng phát triển mạnh. Ngoài chăn nuôi thả cá trong ao, hồ , đầm, nhân dân còn tận dụng mặt nước sông Hồng để nuôi thả cá lồng thu lãi suất cao.
Hiện nay đời sống kinh tế của nhân dân Bình Minh luôn luôn ổn định và phát triển, xã không có hộ nhà tranh vách đất, hộ nghèo ngày một giảm, tỷ lệ hộ giàu và khá ngày một tăng. Cán bộ và nhân dân xã Bình Minh đang cố gáng hết sức mình để xứng đáng là điểm sáng của huyện Khoái Châu.