Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Hưng Yên: Chợ mới bỏ hoang, dân ra đường họp chợ cóc

Đăng ngày 02 - 10 - 2017
100%

Phần lớn các chợ nông thôn đều hình thành do thói quen, tập quán buôn bán nhỏ lẻ nên khi quy hoạch, nâng cấp, xây dựng chợ mới, người dân chưa từ bỏ thói quen buôn bán tạm bợ để vào kinh doanh có nền nếp...

 

Để hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngày 21.1.2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề cương chi tiết Đề án quy hoạch tổng thể mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. 
 
Tuy nhiên, đến nay, thực tế cho thấy, bên cạnh những chợ nông thôn ở một số địa phương sau khi được đầu tư xây mới đã phát huy hiệu quả, vẫn còn không ít chợ chưa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư.
 
Chợ xây xong hoạt động không hiệu quả
 
Thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, nhiều huyện, thành phố đã và đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp hệ thống chợ nông thôn, mở chợ mới. Nhiều chợ nông thôn mới được hình thành, từng bước góp phần hạn chế tình trạng phát sinh chợ cóc. 
 
Tuy nhiên, trong quy hoạch và xây dựng chợ theo chương trình xây dựng nông thôn mới hiện vẫn còn bộc lộ một số bất cập, gây lãng phí. 
 
Điển hình như chợ Yên Mỹ, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) được xây dựng nhằm mục đích giải tỏa chợ cóc bám dọc theo trục đường chính của thị trấn Yên Mỹ. Khu chợ này được đầu tư xây dựng từ năm 2011 với tổng diện tích trên 4 nghìn m2 và kinh phí hơn 24,6 tỷ đồng. Năm 2012, chợ Yên Mỹ được đưa vào sử dụng với hạ tầng khang trang, nhưng đến nay, khu chợ này chủ yếu vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống” do người dân không chịu vào giao dịch mua bán trong chợ. 
 
Tương tự như vậy, Chợ An Vĩ (Khoái Châu) được quy hoạch xây dựng nhằm mục đích di chuyển chợ cóc họp lấn chiếm lòng lề đường giao thông tại khu vực trung tâm thị trấn Khoái Châu và xã An Vĩ. Chợ được xây dựng bằng tiền đầu tư của doanh nghiệp tư nhân. 
 
Dù đã hoàn thành xây dựng từ nhiều năm nay nhưng sau khi xây mới khu chợ này lại bỏ không, chợ không có người họp. Điều đáng nói là cách khu chợ vài trăm mét là tình trạng lộn xộn các điểm chợ cóc, chợ tạm họp lấn chiếm lòng đường giao thông. 
 
Theo một số  tiểu thương kinh doanh tại khu vực gần Chợ An Vĩ cho biết: Sở dĩ các tiểu thương ở đây chưa mặn mà với chợ mới vì vị trí chợ mới xây dựng không thuận lợi cho việc buôn bán.
 
Chợ cấm vẫn họp 
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100 chợ đang hoạt động, trong đó phần lớn là chợ hạng 3. Theo thống kê, có đến 60% lượng hàng hóa được lưu chuyển qua chợ nông thôn. Đây là nơi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa đến các khu vực trong tỉnh. 
Chợ cóc lấn chiếm đường giao thông tại xã Chính Nghĩa (Kim Động)
Tuy nhiên, do chợ hình thành chủ yếu trước khi có quy hoạch nên phân bổ không đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, hiện nay, vẫn còn nhiều chợ tự phát hình thành nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm, khu dân cư. 
 
Phần lớn các chợ nông thôn đều hình thành do thói quen, tập quán buôn bán nhỏ lẻ nên khi quy hoạch, nâng cấp, xây dựng chợ mới, người dân chưa  từ bỏ thói quen buôn bán tạm bợ để vào kinh doanh có nền nếp. Thực hiện Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 15.7.2016 của UBND tỉnh về việc ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2016 và Kế hoạch số 93a/KH–UBND ngày 31.3.2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép năm 2017, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung giải tỏa, xóa bỏ các chợ cóc, chợ tạm vi phạm hành lang an toàn giao thông, họp không đúng quy định. Nhưng chỉ sau giải tỏa một thời gian ngắn, những chợ này hoạt động trở lại. 
 
Điển hình như tại khu vực Chợ Ngàng ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động), từ nhiều năm nay tình trạng người dân họp tràn lan tại nút giao giữa QL.39 và ĐH.60. Việc mua bán thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Để bảo đảm an toàn giao thông và thực hiện việc đường thông hè thoáng, cách đây gần một năm, chính quyền địa phương đã tiến hành giải tỏa toàn bộ số tiểu thương ra khỏi khu vực, đồng thời gắn biển "Cấm họp chợ". Thế nhưng gần đây, nhiều hộ tiểu thương vẫn bất chấp, họp chợ trở lại.
 
Việc đầu tư xây mới, cải tạo một số chợ chưa phù hợp với thực tế ở một số địa phương thời gian qua đã gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp. Qua tìm hiểu người dân ở các địa phương có chợ chưa phát huy được tác dụng hiện nay được biết, sự bàn bạc, thống nhất giữa các bên đang là vấn đề cần phải quan tâm. 
 
Hầu hết, khi tiến hành xây dựng chợ mới, công tác khảo sát quy hoạch, lấy ý kiến của nhân dân vẫn chưa được thống nhất. Còn theo lý giải của lãnh đạo các địa phương có hệ thống chợ xây mới chưa phát huy hiệu quả thì có nhiều nguyên nhân: Thói quen về việc “bám chân” chợ cũ, chợ tạm mà không mặn mà với chợ mới; hoặc nhiều người do không muốn chi phí để được vào kinh doanh, buôn bán tại chợ mới nên chọn cách ở lại khu vực họp chợ cũ. Hơn nữa, vị trí quy hoạch để xây dựng chợ mới chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công trình xây xong không nhận được sự ủng hộ của người dân…
 
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, nhiều địa phương đã vận động người dân vào buôn bán ở các chợ mới xây dựng. Bằng cách giảm lệ phí môn bài, mức tiền đấu thầu cho tiểu thương…, nhờ đó một số địa phương đã thành công trong việc “lấp đầy” chợ xây mới. Điển hình như chợ Đồng Than (Yên Mỹ), sau nhiều năm bị lãng phí do không có tiểu thương vào kinh doanh, đến nay khu chợ này đã nhộn nhịp với nhiều hộ tiểu thương kinh doanh đủ các mặt hàng. 
 
Để mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả tránh được tình trạng lãng phí nguồn lực, thiết nghĩ khi đầu tư xây chợ mới hoặc tiến hành nâng cấp, các địa phương cần đưa ra các phương án lựa chọn cả về địa điểm lẫn mức đầu tư phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần xử lý triệt để các điểm chợ cóc, chợ tạm; đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để các hộ kinh doanh vào buôn bán tại khu chợ mới. 
Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Đông Khoái Châu, xã Việt Hoà, huyện khoái Châu , tỉnh Hưng Yên(29/09/2023 4:12 CH)

    Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01 - Tư vấn lập khảo sát, lập thiết kế...(08/08/2023 4:24 CH)

    Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án "Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm ngành cơ...(27/06/2023 2:35 CH)

    Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01: Thi công xây lắp công trình Tu sửa...(30/11/2022 4:08 CH)

    Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 Thi công xây dựng công trình và đảm...(29/11/2022 4:10 CH)

    Tổng hợp các công trình xây dựng vốn đầu tư trên địa bàn huyện Khoái Châu năm 2020(05/12/2020 4:26 CH)

    Ngân hàng chính sách xã hội huyện Khoái Châu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị...(25/05/2020 2:59 CH)

    °
    110 người đang online